Nhạc: Bà Mẹ Quê Nhạc: Phạm Duy Giọng hát: Như Quỳnh Chắt chiu cùng năm tháng Mẹ tần tảo ngược xuôi Nuôi con ngày khôn lớn Mỗi đứa một phương trời Nay tuổi già vóc hạc Thui thủi bóng vào ra Muộn phiền vai mẹ gánh Liêu xiêu buổi chiều tà (Vương Ðức Lệ) Ngày Hiền Mẫu (Mother's Day) do bà Anna Marie Jarvis khởi xướng tại thành phố Grafton, tiểu bang West Virgina, USA. Vào năm 1914, Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ đã thông qua một bản nghị quyết và được Tổng Thống Woodrow Wilson ký nhận để chính thức thành lập Ngày Hiền Mẫu. Ngày nay, đa số các quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Hiền Mẫu hàng năm vào ngày Chúa Nhật thứ 2 của tháng 5.Một số quốc gia khác cũng có những ngày lễ tương tự được tổ chức vào các ngày khác trong năm. Người dân Việt chúng ta có ngày lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 Âm Lịch. Tại một số quốc gia mà Ngày Hiền Mẫu chưa được phổ biến, người ta cũng dùng ngày Quốc Tế Tuyên Dương Phụ Nữ vào ngày 8 tháng 3 để tôn vinh những người Mẹ. Trần Mộng Tú MẸ và sự lặng im Con tìm được bao nhiêu bài thơ khoe tình con cho mẹ nhưng những bài thơ mẹ nói yêu con thì rất khó tìm con hiểu tại sao rồi có sự lặng im vì tình mẹ cho con không tiếng động Đời như biển và con trôi theo sóng Mẹ nằm im như cát đợi thuyền về Mẹ nằm im như bóng nắng sau hè cho con đến sưởi cánh chim ướt sũng Như mặt trống mẹ không vang tiếng động con về khua vang vọng những âu lo Mẹ đứng im hình dáng một con cò ven sông vắng tìm soi bóng cá Mẹ là núi một đời im với đá con trở về tìm một chỗ tựa lưng Mẹ như sông thầm lặng chẩy một dòng con hối hả qua cầu không ngó xuống Mẹ câm nín như hàng tràm ngâm nước đợi con về đốt cháy những mảnh than Con trở về muốn đập vỡ không gian rung mặt đất, kéo trăng sao xuống kêu lên con yêu mẹ dưới thảm cỏ xanh mẹ nằm lặng lẽ trái tim im tiếng đập vẫn nồng nàn âm thầm yêu con như thủa mới cưu mang Vì tình mẹ cho con không tiếng động. .............................. Song Nhị Bài Viết Về Mẹ Trời cuối năm rồi gió bấc thổi từng cơn con lại muốn viết những dòng về mẹ như câu chuyện tình con chưa được kể Vẫn ôm trong lòng thao thức với thời gian bảy lượt xuân về con xa mẹ bảy năm mái tóc mẹ nỗi u hoài nhuộm bạc Từ tháng Giêng ngày buồn qua tháng Chạp có ngày nào mẹ không nhớ thương con có những đau thương những nỗi u buồn nước mắt mẹ chảy dài theo năm tháng Thuở truân chuyên nhiều hơn thời sung sướng suốt cuộc đời mấy lúc mẹ thảnh thơi con lớn không rồi mẹ vẫn khổ mẹ ơi bảy tám đưá con như đàn chim bạt gió Mấy cuộc biển dâu trút lên đời bão tố mẹ oằn mình chở hết nỗi khổ đau ngày quê hương tang tóc ấy thảm sầu (*) trên thân mẹ máu loang hòa nước mắt cơ nghiệp tan hoang mưa vùi sóng dập mẹ dắt đàn con đi tìm lại cuộc đời Hai mươi năm lòng mẹ không nguôi trông về quê xa mẹ buồn đau quặn thương những đứa con ngày mưa tháng nắng núm ruột nào khi cắt không đau Mấy thuở hàn vi hoạn nạn cơ cầu mẹ nuôi chúng con rỡ ràng không lớn bây giờ chúng con mỗi người một chốn mẹ hoài hoài khóc nhớ khóc thương Ngoài bảy mươi chưa hết nỗi đoạn trường đau thương chất lên tuổi già sức yếu mẹ lại sống những tháng ngày túng thiếu lại nhớ thương trông ngóng từng ngày Mẹ chắt chiu dành dụm trong tay từng đồng bạc để nuôi con cải tạo con ngồi trong bốn bức tường trâng tráo từng đêm dài tiếng mẹ vọng yêu thương Mẹ ơi, chiều nay gió bấc thổi từng cơn con muốn viết cả tấm lòng về mẹ. .............................. Huy Cận Mẹ Ơi, Đời Mẹ Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng Mà lòng yêu sống lạ lùng Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con. "Đắng cay ngậm quả bồ hòn, Ngậm lâu hoá ngọt!" Mẹ còn đùa vui! Sinh con mẹ đã sinh đời Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao? Quanh năm có nghỉ ngày nào! Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy. Rét đông đi cấy đi cày Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai. Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa. Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa, Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều. Cắn răng bỏ quá trăm điều Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này. Mẹ là tạo hoá tháng ngày Làm ra ngày tháng sâu dày đời con. .............................. Cát Biển Mẹ Yêu Mẹ đi qua bến yêu Lưu dấu đời bờ hi sinh Mẹ ban cho suối thương Con ngập hồn tình quê hương Mẹ cho con tiếng ru Con yên vành nôi giấc ngủ Mẹ qua bao lửa giông Ấp ủ tình con bao ước mong Mẹ đem thân tả tơi Cho sữa bầu con tuổi thơ Mẹ truân chuyên ngả đường Dẫu xa lìa yêu cố hương Mẹ qua bao đổi thay Mong một ngày con nhảy bay Mẹ nhỏ lệ vai gầy Tô điểm đời bao đắng cay Mẹ ra đi có nghe Tay con còn lời lay kêu Mẹ đi xa luỹ tre Có nghe lòng con đau biển yêu Mẹ ơi nơi suối mơ Ghi nhớ tình ai dâng tấm thân... .............................. Nguyễn Trung Kiên Mẹ Cả cuộc đời mẹ vất vả vì con Từ thuở ấu thơ cho đến giờ khôn lớn Khi bước chân con không còn chập chững Gánh nước mỗi ngày mẹ như thấy nặng hơn. Chẳng có gì so được tình thương Của mẹ dành cho con như đất dành cho cây sự sống Dẫu biển kia có sâu có rộng Sánh chi bằng ở mẹ tấm lòng tiên. Dòng sữa ngọt ngào theo tháng năm con lớn lên Mẹ chăm chút cho con từng miếng ăn giấc ngủ Những lúc ngu ngơ con đâu có hiểu Mẹ đã vì con mà thành túng thiếu Chiếc áo vai sờn đạm bạc bữa cơm rau. Con chưa bao giờ thức trọn một đêm thâu Những sáng mùa đông con chưa một lần dậy sớm Để nhìn thấy ngoài trời từng cơn gió lớn Quẩy quang gánh hàng nặng lầm lũi mẹ đi. Mỗi lần con lên tỉnh dự thi Là đêm đó mẹ ở nhà thao thức Dẫu trong cuộc sống nhiều lúc con làm mẹ buồn lòng đôi chút Con biết rằng mẹ vẫn thương con Có tình thương nào có thể so sánh hơn Và suốt đời như tình thương của mẹ Nên dẫu trên đời này còn bao lời hay hơn thế Con cũng chỉ một lời thầm gọi: Mẹ ơi! .............................. Đỗ Trung Quân Mẹ Con sẽ không đợi một ngày kia khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ? Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ ai níu nổi thời gian? ai níu nổi? Con mỗi ngày một lớn lên Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn. Con sẽ không đợi một ngày kia có người cài cho con lên áo một bông hồng mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ? Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ Sống tự do như một cánh chim bằng Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái Có bao giờ thơ cho mẹ ta không? Những bài thơ chất ngập tâm hồn đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ giọt nước mắt già nua không ứa nổi ta mê mải trên bàn chân rong ruổi mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân mấy kẻ đi qua mấy người dừng lại? Sao mẹ già ở cách xa đến vậy trái tim âu lo đã giục giã đi tìm ta vẫn vô tình ta vẫn thản nhiên? Hôm nay... anh đã bao lần dừng lại trên phố quen ngã nón đứng chào xe tang qua phố ai mất mẹ? sao lòng anh hoảng sợ tiếng khóc kia bao lâu nữa của mình? Bài thơ này xin thắp một bình minh trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối bài thơ như một nụ hồng Con cài sẵn cho tháng ngày sẽ tới ! .............................. Nguyễn Bính Lòng Mẹ Gái lớn ai không phải lấy chồng Can gì mà khóc, nín đi không! Nín đi! mặc áo ra chào họ Rõ quí con tôi! Các chị trông! Ương ương dở dở quá đi thôi! Cô có còn thương đến chúng tôi Thì đứng lên nào! lau nước mắt Mình cô làm bận mấy mươi người. Này áo đồng lầm, quần lĩnh tía Này gương này lược này hoa tai Muốn gì tôi sắm cho cô đủ Nào đã thua ai đã kém ai? Ruộng tôi cày cấy, dâu tôi hái Nuôi dạy em cô tôi đảm đương Nhà cửa tôi coi, nợ tôi giả Tôi còn mạnh chán, khiến cô thương! Đưa con ra đến cửa buồng thôi Mẹ phải xa con, khổ mấy mươi! Con ạ! đêm nay mình mẹ khóc Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi. .............................. Mạc Phương Đình Món quà Vu Lan mở cuốn an bum nhìn thấy mẹ bóng mẹ năm nào nay đã xa đêm nằm nghe gió lùa thao thức mưa gõ vào tim nỗi nhớ nhà đời sống hôm nay đầy đủ lắm mà con không mẹ, chẳng còn cha ngày xưa con sống ngu ngơ vậy giờ biết thương yêu thiếu mẹ già mẹ đã ra đi thời khó nhọc quê nghèo nặng trĩu gánh bôn ba sắn khoai nuôi mẹ ngày sau cuối con mắc tù lao phải vắng nhà gian khó một đời cha mẹ gánh ơn dày nghĩa nặng chẳng phôi pha mẹ ơi sầu tũi đường xa xứ xin gửi hôm nay một chút quà ? tháng bảy Vu Lan mùa báo hiếu âm dương cách trở mấy đường xa nén nhang ngọn nến lung linh gió chẳng khóc mà sao mắt lệ nhoà ..............................Phan Khâm MẸ Còng lưng Mẹ xuống hoàng hôn Qua con sông cạn Tới cồn cỏ khô Trượt chân Mẹ hỏng cơ đồ Ngã nghiêng giữa mấy nấm mồ tan hoang Một Thuyền Hoa Xuân Con đường làng dưới chân đê Chiêm bao thấy bóng Mẹ về nghiêng nghiêng Đầu mùa cây trái tháng giêng Từ trong mắt mẹ một thuyền hoa xuân Khắc Khoải Quê Hương Mẹ ơi, Mẹ đợi con hoài Năm canh góc bể chân trời Mẹ ơi Lưu vong chắc hết cuộc đời Nghe Nam Quan mất rã rời bể dâu Từ Nam Quan tới Cà Mâu Giang sơn chữ S trên đầu còn chi Ruà vàng ngậm kiếm ra đi Ngàn năm văn vật kinh kỳ rêu phong.............................. Dư Thị Diễm Buồn Vu Lan Nhớ Mẹ Con hỏi mẹ:"Sao cài hoa màu trắng? Vào những ngày báo hiếu lễ Vu Lan? Sao không cài hoa hồng thắm cao sang?" Mẹ khẽ bảo: "Mẹ không còn có mẹ!" Trong vũ trụ muôn loài đều có mẹ Kẻ vô phần nên mẹ sớm ra đi Thân cút côi sống lặng lẽ sầu bi Đời đâu có tình nào hơn tình mẹ!Thương thân mẹ, mất bà từ thuở bé Thiếu tình thân yêu, âu yếm thiêng liêng Thiếu vắng vòng tay trìu mến dịu hiền Thiếu hơi ấm, ấp lòng khi giá lạnh Thiếu hình bóng bên đèn chong đêm quạnh Lời ngọt ngào khuyên dỗ lúc ốm đau Chạy rong chơi vấp ngã té cầu ao Về phụng phịu: "Mẹ ơi, conđau đớn..." Thương yêu con, mẹ quên con đã lớn Gió trở mùa, cây thay lá vàng thu Đợi cổng trường khi đem nón, đem dù Che mưa nắng, cho con phòng cảm mạo Có những hôm trời lên cơn dông bão Gió lạnh căm căm, thời tiết đổi thay Đường về nhà trơn trợt tuyết mưa bay Đội giá buốt, đem con giầy cao ống Hết cấp ba, con vào trường Đại học Sống xa nhà, mẹ lo sợ đắn đo... Luôn nhắc con: "Trở gió dễcảm ho Nhớ mặc áo, choàng khăn cho đủ ấm" Trước nhập học, tự tay mẹ mua sắmTừ chiếc khăn, đôi vớ, thỏi xà phòng Cây kim may, cuộn chỉ với mền bông Chai dầu gió, phòng hờ khi cảm lạnh! Nơi gác trọ những đêm dài hiu quạnh Buồn bâng quơ hay chợt đến bất ngờ Tình thơ ngây vụng dại tuổi học trò Thương nhớ mẹ, vội vàng ra đi hết Những ngày lễ, thứ bảy hay chủ nhật Đến thăm con, mẹ chỉ dạy khuyên răn Đem cho con, giỏ đầy ắp thức ăn Và ánh mắt, ôi dịu dàng trìu mến “Mẹ mới có tình thương vô bờ bếnCon hơn người, vì có mẹ bên conCon hơn người vì có mẹ chu toàn Con hạnh phúc , cài hoa hồng lê áo!'' .............................. Leanhdung Mẹ! Khi mẹ sinh ra em, Mẹ chẳng cần em đẹp xấu! Khi mẹ nuôi nấng ẵm bồng, Chẳng bao giờ mẹ tính thời gian... Mẹ cũng chẳng màng Em có nhớ mẹ không, Mẹ cũng chẳng lo có ngày em xa mẹ... Ôi lũy tre làng, hàng dừa quạnh quẽ! mái tranh xưa ...em xa mẹ ngàn trùng... Mẹ chịu bão bùng nếp nhăn càng ngày càng sâu thẳm, Mắt mẹ càng nheo theo bóng con thơ... Em vẫn thờ ơ, chạy theo cuộc đời dâu bể bên nây bờ đại dương hát bài “lòng mẹ” Bên kia bờ đại dương mẹ bó gối ngóng mong...! Mẹ đã long đong một đời Con đang rong chơi một kiếp... Mẹ con ta không có gì chướng nghiệp Thế sao chẳng lúc nào sum hiệp yên vui... .............................. Nguyễn Hoài Sâm Nhớ mẹ Nỗi nhớ của con người thật lạ. Chỉ vài phút gặp gỡ một người, đến một vùng đất lạ, người ta đã nhớ suốt cuộc đời. Hơn bốn mươi sáu năm sống ở nước ngoài, ngay bênh cạnh cây cầu Golden Gate Bridge đẹp nổi tiếng trên thế giới, ai cũng ao ước được ngắm nhìn dù chỉ một lần, vậy mà khi trở về quê hương, ông không hề thấy nhớ, không ước mong trở lại. Tám mươi tuổi. Ông nhớ quay quắt giàn mướp nở hoa vàng mấp mé bờ kênh, nhớ đàn cò trắng ngập ngừng trên đồng lúa xanh rờn, nhớ bát canh rau đắng hái bên hiên nhà, nhớ con gà cục tác trong nắng trưa… Ông nhớ hương vị nồi canh bí đỏ mẹ hầm đậu phộng thơm lừng, như vừa mới hôm qua…Mẹ ông mất đã ba mươi lăm năm rồi! Nhớ mẹ. Ông bật khóc hu hu như một đứa trẻ… Thời gian trôi, cuốn đi tất cả. Đời người không thể có lại lần nữa, không có một ngoại lệ nào… Con trai và Mẹ …Cậu thanh niên cao lớn, hai mươi lăm tuổi, chở mẹ đến nhà thăm mẹ tôi (hai bà là bạn học của nhau trước đây). Khi ra về, thấy mẹ loay hoay cài quai đôi dép quai hậu, cậu liền ngồi xuống, cài cả hai bên quai dép cho mẹ cẩn thận, rồi nhẹ nhàng nâng mẹ đứng dậy. Có vậy, nhưng tôi thấy cay mắt. Hình ảnh đó theo tôi bao nhiêu năm nay. Mùa Xuân của Mẹ Nếu ai hỏi trên đời này có gì quý giá nhất, tôi xin trả lời: Đó là mẹ của tôi… Tất bật với cuộc sống mưu sinh, bận rộn đi làm, mệt nhoài với công việc. Một hôm cảm nặng, cổ họng đau rát, người mỏi nhừ không nhấc nổi tay chân, tôi yếu đuối trở về trong vòng tay mẹ. Mẹ lo lắng ôm chặt tôi vào lòng. Mẹ trải chiếu, lấy gối cho tôi nằm. Thấy tôi sốt cao, mẹ giã rau dấp cá đắp lên trán cho tôi, ánh mắt trĩu nặng lo âu. Tôi nằm thiêm thiếp trên giường, lắng nghe bước chân vội vã của mẹ xa dần, mẹ đi chợ … Mẹ chăm sóc tôi bằng những kinh nghiệm dân gian. Mẹ lụi cụi bê nồi lá xông nóng rực, tỏa ngát hương bưởi, hương sả... lên giường, cẩn thận trùm chăn cho tôi. Xông đến lần thứ ba thì người tôi nhẹ tênh. Bàn tay mẹ âu yếm lau mồ hôi trên tóc, trên lưng cho tôi như thuở nào, tôi biếng nhác nằm dài, sung sướng hít hà mùi mồ hôi của mẹ. Ngày xưa còn bé, mỗi khi ốm, tôi chỉ cần rúc vào áo mẹ, được mẹ ôm ấp, hít thật sâu cái mùi quen thuộc ấy là tôi đã khoẻ lên mà không cần đến bất cứ thuốc nào… Cơn sốt giảm dần, cổ họng dịu êm bởi những lát quất hấp mật ong thơm ngọt, mẹ nấu với tất cả tình yêu thương. Tôi nằm, lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm những chùm cà na trĩu nặng, tím sẫm, mơ màng nghe những chú chim chuyền cành lách chách, hót véo von trên lùm cây sau nhà. Nhà của mẹ bình yên, chim về làm tổ rất nhiều. Mùi thịt kho mẹ nấu thơm lừng làm tôi tỉnh hẳn, cái đói bỗng cồn cào. Mấy ngày nay tôi không ăn cơm rồi. Mẹ xới một bát cơm đầy, ép chặt (vì biết tôi chỉ ăn một bát), đĩa thịt nạc thăn kho gừng. Canh rau dền nấu với tôm tươi giã bỏ vỏ, đỏ au, thơm phức. Mẹ nhìn tôi ăn ngon lành như chưa bao giờ được ăn. Mà thật, cũng đã mười lăm năm từ ngày lấy chồng, tôi mới được ngủ trong vòng tay của mẹ. Mẹ chăm sóc tôi đầy yêu thương như ngày tôi còn bé dại. Nhưng tôi cảm nhận vòng tay mẹ đã run rẩy, mong manh. Hai ngày ở với mẹ, tôi khỏe ra, sắc diện hồng hào, tươi tỉnh trở lại. Hôn lên vầng trán nhăn nheo của mẹ, hôn lên mái tóc lưa thưa đã bạc trắng thời gian, tôi cố kìm những giọt nước mắt yêu thương. Trở về gia đình bé mọn của mình với những ngày bận rộn tiếp nối. Tôi ân hận vì đã ít về thăm mẹ. Mười lăm năm trôi qua tựa như một giấc mơ. Mười lăm năm nữa, biết có được ngồi trong vòng tay của mẹ nữa không? Đêm về, khi tất cả đã ngủ say, tôi lặng lẽ khóc vì thương mẹ. Ước gì quay ngược thời gian, để mẹ trẻ mãi bên con suốt đời!!! Mẹ ơi, mẹ có biết không? Con yêu mẹ biết chừng nào! “Alo, alo… hôm nay đi ăn trưa nhé? Sắp Tết rồi nhỏ ơi...!” …Bạn có nghe thấy mùa xuân đang về rất gần không? hơi thở mùa Xuân đã thổi vào từng căn hẻm, từng khoảnh sân của mọi nhà. Nắng xuân vàng rực, trong vắt trên hè phố, tràn ngập những nẻo đường đi. Đôi môi dịu hiền của nàng xuân lướt nhẹ trên chồi non, cỏ biếc. Cây lá xanh hơn, ngát hương hơn... Xuân đã về trong bạn, trong tôi, trong ánh mắt trẻ thơ náo nức đến trường. Tôi nhìn thấy nụ cười của mẹ mong manh lắm. Mỗi năm mẹ một yếu hơn. Hôn lên đôi bàn tay tảo tần của mẹ, đôi bàn tay búp măng thời con gái, bây giờ là những ngón tay khô ráp và nhăn nheo ... Từ nay tôi sẽ về thăm mẹ mỗi ngày, sẽ ôm mẹ trong vòng tay ấm áp của mình, sẽ hôn mẹ mỗi khi được ở gần bên mẹ. Từ nay tôi sẽ không làm điều gì để mẹ phải buồn, chỉ mang đến niềm vui cho mẹ những năm tháng cuối đời... Và tôi biết, thời gian trôi, rồi một ngày kia tôi cũng sẽ mong manh như mẹ... “Trưa nay tôi về thăm mẹ, mùa xuân này là mùa xuân thứ 70 của mẹ tôi… Xin đành lỗi hẹn, vì những mùa xuân còn lại của mẹ tôi quý giá vô cùng!” Như Nguyệt Mẹ Của Tôi Tháng sau là tháng Năm. Tháng của Mother Day. Mẹ tôi mất vậy mà được 16 năm rồi! Khi biết được rằng mẹ tôi bị bệnh nan y chỉ còn 6 tháng là mất, em tôi đã đến nhà tôi. Hảo nghẹn ngào nói tin dữ cho tôi nghe và hai chị em chúng tôi đã ôm nhau mà khóc. Mẹ thương cô em út của tôi nhất nhà, chắc út Hảo buồn ghê gớm lắm! Tôi ôm chặt lấy cô em út ít, mong được san sẻ bớt nổi đau của em trong khi chính lòng mình cũng vô vàng tan nát và chỉ biết khóc ròng. Hảo ít khi để lộ tình cảm của nó ra ngoài. Đó là một trong những lần hiếm thấy. Chúng tôi khóc như chưa bao giờ được khóc! Mẹ tôi qua đời vào tháng Sáu. Tình cờ thôi, tháng Sáu qui tụ nhiều ngày đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Tôi làm lễ hôn phối với chồng vào tháng Sáu, hai đứa con tôi sinh nhật vào tháng Sáu và ngày mà anh C. và tôi ra luật sư làm giấy tờ ly dị, cũng vào tháng Sáu. Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa, em cũng lạy trời mưa! Thời gian mà mẹ tôi bị bệnh nặng rồi mất -khoảng một năm trước đó, kéo dài thêm vài năm sau này- tôi đã phải “đối đầu” với thằng con của mình. Tuổi dậy thì, thằng bé “quậy” dữ lắm. Thuở đó, nó đang học straight A, lâu lâu nó có 1 cái A minus hoăc B là tôi đã buồn đứt ruột rồi (lúc đó còn dại, còn vô minh quá, chưa tỉnh ngộ) cho nên khi ảnh quyết định bỏ học, không thèm đụng đến sách vở nữa, run away; bạn phải biết cho là tôi đau khổ đến độ nào! Mẹ mất, tôi có viết một bài điếu văn dài. Tôi muốn là một người mẹ tốt, như mẹ tôi, để hiểu con tôi hơn. Tôi muốn đặt tôi vào vị trí của con tôi (put myself in his shoes). Nếu tôi là con tôi thì tôi nghĩ gì, tại sao tôi lại làm như vậy?.vv…Tại sao tôi lại rebel, lại làm cho mẹ mình đau khổ!! Tôi cố nhớ lại hồi tôi mới lớn tôi như thế nào? Tôi sẽ phải viết cho mẹ tôi ra sao với vị trí của một người con? Nhưng, khi đặt viết xuống, tôi đã thấy tôi trong cương vị của một người mẹ. Tôi “identify” với mẹ tôi hơn là với con tôi, và nhận thấy rất rõ ràng, thấy hiểu mẹ tôi hơn. Tôi thấy thật khó, lúc đó, identify với con mình. Tôi chỉ thấy được một chiều (side), chiều làm mẹ; tôi không thể -mặc dù muốn, cố gắng- muốn thấu hiểu, muốn thấy cái chiều bên kia, chiều làm con, của thằng con lúc đó rất hư đốn của mình. Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Quả đúng là như vậy. Tôi thấy rất rõ là mẹ của chúng tôi thương yêu chúng tôi biết đến là chừng nào, hy sinh cả một đời cho chúng tôi biết là bao nhiêu! Lòng của bà đúng là bao dung, rộng lớn như biển cả. Mẹ tôi thương con cũng như tôi đang thương con và chắc đã có những lúc, chúng tôi đã làm cho bà đau khổ, thất vọng thật nhiều. Khi viết bài điếu văn cho mẹ, tôi như đang tâm sự với mẹ thì đúng hơn. Tôi cảm thấy rất gần gũi với bà, cảm thông và thương yêu bà vô bờ bến. Vừa viết cho mẹ, nước mắt vừa chẩy xuống, không ngừng. Có quá trễ lắm không, hở mẹ yêu? Khi mẹ đã ra đi vĩnh viễn, con mới nhận ra rằng mất mẹ là mất cả bầu trời, là mất đi nhiều lắm. Con đâu còn có dịp chở mẹ đi mua sắm, phụ mẹ, cho ý kiến. Con biết mẹ thích diện, thích điệu, thích đi chơi đây chơi đó, con chìu mẹ nhưng cũng chưa chìu đủ đâu; lẽ ra con phải chìu mẹ nhiều nhiều hơn thế nữa….. Bài điếu văn dài thật dài, hơn bình thường; viết với đẫm đầy nước mắt. Mấy hôm nay, tôi cố lục lại (trong những chồng bài thơ, bài viết, thư từ, hình ảnh, video tape đám ma), cố tìm cho ra bài điếu văn đó. Tôi biết, tôi không vất nó đi, nhưng tìm mãi cũng không ra. Trong quyển video, bạn của anh C. thu hình rất đầy đủ, có đoạn tôi đứng ở ngoài nghĩa trang, đọc điếu văn, nói chuyện với mẹ trước khi hạ huyệt (chắc có lẽ vì tôi ly dị , dọn nhà) cũng đã thất lạc, mất nơi đâu tìm không thấy. Tôi tìm ra được bài thơ mà anh C., chị Minh tôi, em Hảo và tôi đã làm ở nhà tôi (chữ của anh C. viết) trong thời gian mẹ đang nằm ở nhà quàng, ngày mai là ngày chôn cất. Một bài thơ do 3 cô con gái và con rễ làm, chữ cuối bằng vần ơi, xin đọc cho mọi người nghe chơi: Mẹ tôi Một bà già chịu chơi / Bàn tay đẹp tuyệt vời / Đôi mắt bà sáng ngời / Không bao giờ nghĩ ngơi Du lịch khắp mọi nơi / Đi đây đó khắp nơi / Lái xe chạy khơi khơi / Dù cuộc đời tả tơi Bà cũng không chán đời / Gặp bà lòng phơi phới / Mẹ ơi, hỡi mẹ ơi / Ít khi chịu nghĩ ngơi Lâu lâu bà đi chơi / Cho tâm hồn thảnh thơi / Nấu cho mọi người xơi / Nghĩ đến ai cũng mời Nhiều bạn bè thân chơi / Phúc đức bà để đời / Nhắc đến bà lệ rơi / Thương nhớ mãi không vơi Mẹ ơi hỡi mẹ ơi / Nhớ mẹ nhớ muôn đời. Vào lúc đó, 4 người chúng tôi người nào cũng buồn dễ sợ, buồn quá đỗi là buồn; nhưng vì có sense of humor, ngồi nhắc lại những kỹ niệm vui vui của mẹ. Anh C. làm bài thơ này trước, sau đó, 3 chị em tôi mới thêm ý (một chút thôi) vô sau. Vừa làm vừa cười vui vẻ, rất hợp “gu” với nhau. Bài thơ hơi có 1 chút tiếu lâm trong đó nhưng rất thật và phản ảnh con người của mẹ. Chúng tôi nói anh C. đọc cho mẹ ngày chót, khi tiễn mẹ đi, nhưng rốt cuộc, không có ai dám đọc. Chỉ có tôi, đọc cho mẹ bài viết của tôi, trước khi hạ huyệt. Tôi đã nghẹn ngào khóc và làm cho nhiều người hôm đi đưa tiễn mẹ tôi lần cuối cùng phải khóc theo. Công bình mà nói, mẹ tôi là cột trụ của gia đình, chứ không phải bố. Mẹ giỏi lắm. Chuyện lớn, chuyện bé gì cũng phải qua tay mẹ. Con cái bất hoà. Vợ chồng cải vả. Khó khăn tài chánh (đến gặp mẹ vay tiền)…. Những chuyện bế tắc, khó giải quyết, đứa nào cũng tìm đến mẹ. Nhiều lúc, tôi đã nghĩ, nếu mẹ còn sống, có thể tôi và anh C. vẫn còn ở với nhau. Khi chúng tôi còn nghèo khó, hai vợ chồng đều đi học, tôi đã mang con tôi đến cho mẹ giữ. Khi thằng nhỏ 2,3 tuổi; nhiều ngày đi trễ, vội vã quá, tôi đã bỏ nó xuống cho nó đi lửng tửng vào nhà. Mẹ đã cười bảo: “Nó vất thằng con nó xuống, cho thằng bé đi vào một mình, rồi phóng xe đi ngay, có muốn… “trả hiệu” cũng không được”. Như một bài báo đã viết, mẹ tôi đúng là một nhà tâm lý học, xã hội học, mediator, peace maker, negotiator, manager, banker, excellent chef, baby sitter, investor, business woman, financial adviser, etc…. Vì thế khi mẹ mất đi, bố tôi và tất cả anh chị em của chúng tôi rất là đau khổ, buồn thê thiết; hụt hẫng nặng nề, cảm thấy mất mát quá nhiều. Những món ăn mẹ làm ngon nổi tiếng như nộm (gỏi) sứa, xôi vò, nộm rau muống, miến xào chay hoặc xào cua, món bổng (của người Bắc chính cống: bún, rau, thịt luộc, tôm cuộn với nhau được cột chặt lại bằng một cọng hành lá trần chấm bổng, nước bổng sệt sệt; ngon hay không ngon là ở món nước chấm này), bún chả thịt nướng, canh bánh đa, cua xào chua cay và nhiều nhiều món nữa không kễ hết….. cũng theo mẹ tôi đi mất. Chúng tôi, nếu có muốn nấu, cũng không tài nào nấu ngon như mẹ. Mỗi lần có giỗ Tết, thỉnh thoảng mẹ lại khoe “Mẹ làm cổ cho hơn cả trăm người dễ dàng, chỉ… vẩy tay một cái là xong!” Từ nhỏ, tôi đã được nghe mẹ dậy, con gái phải biết nấu nướng, làm cơm; có giàu có đi chăng nữa cũng phải biết làm, cho người làm khỏi khi dễ, không qua mặt được mình. Mỗi lần giỗ tết, tôi vào phụ mẹ là mẹ thấy chướng mắt ghê lắm vì tôi lười, chậm chạp, tà tà không được giỏi giang, lanh lẹn, không làm vừa ý, vừa lòng mẹ. Khi còn ở Việt Nam, mẹ tôi là một người đàn bà làm hái ra tiền. Chúng tôi có được một đời sống sung túc, sung sướng cũng là nhờ mẹ. Bố chúng tôi hiền lành quá, làm công chức thanh liêm thì lương bổng đâu có bao nhiêu. Một tay mẹ quán xuyến, việc nhà, việc chợ, việc buôn, việc bán, việc dậy dỗ các con. Khi qua bên đây, mẹ muốn mở tiệm vàng, mở chợ, mở tiệm liquor nhưng chúng tôi đứa nào cũng cản, không muốn mẹ làm. Vậy chứ mà mẹ cũng vẫn “áp phe” lai rai, mẹ bảo mẹ muốn kiếm tí tiền để gửi về VN, giúp đỡ họ hàng, người nghèo khó. Mẹ tôi chịu khó lắm, chăm làm, nhanh nhẹn, tháo vát. Qua đến đất nước tự do, không còn người làm nữa, mẹ phải tự một mình mình dọn dẹp cả ngày (lũ con đã ở riêng, đã không giúp đỡ được gì cho mẹ mà còn làm phiền, nhờ vả). Mẹ có nguyên một vườn rau trồng đủ loại rau thơm, rau muống, rau mồng tơi, rau đay, rau củ khởi, một giàn mướp hương, bầu bí… Trồng xong lại còn phải hái, mang đi cho. Mùa đông, khi nào rảnh rỗi, mẹ ngồi đan áo lạnh, đan vớ, mũ cho các cháu. Mẹ đi học Anh văn, lúc nào cũng là học trò cưng của mấy bà giáo Mỹ. Mẹ bạo dạn, dơ tay lên hỏi và tập nói chẳng sợ sai. Đi đến đâu mẹ tôi đều có bạn đến đó. Giới nào bà chơi cũng được, tuổi nào bà cũng có thể hòa đồng, thích hợp được (điểm này Hảo cũng giống mẹ). Bà là dân business, buôn bán làm ăn từ thuở nhỏ nên tính tình thoải mái, phóng khoáng, tứ hải giai huynh đệ. Mẹ vui tính lắm, ăn nói rất có duyên, friendly, tính tốt, rộng rãi, biết điều nên bà có rất là nhiều bạn. Mẹ thường nói với chúng tôi: “Làm người phải nên chịu khó xẻ buồn, chia vui với mọi người” hoặc “Nghĩa tử là nghĩa tận, đi đám ma quan trọng lắm chứ đừng thấy đám vui thì đến, đám buồn thì không”, hay “Ai làm cho mình điều gì thì mình nên nhớ mãi, nhớ để khi có dịp mà trả ơn, khi mình làm gì cho ai thì lại nên quên đi, coi như không có” v..v.. Bà hay mang những câu ca dao, tục ngữ ra dạy bảo con cái. Không biết sao mà bà nhớ nhiều câu thế. Đúng lúc, đúng dịp lại “lôi” ra một câu “rả rích” dạy chúng tôi! Lễ an táng của bà, chúng tôi mới thấy bà quả có quá nhiều bạn hữu và được nhiều người thương mến. Ngoài những cô, chú, bác chúng tôi gọi thông báo còn có những người hàng xóm láng giềng thời xa xưa khi còn ở Việt Nam, những người bạn sau này mẹ tôi quen mà chúng tôi chưa được hân hạnh gặp… Nhiều người lắm, họ đọc báo, nghe tin trên radio, tìm đến viếng thăm bà lần chót. Lần đầu tiên đi chơi ở nước ngoài, năm 1991; tôi đi với mẹ. Tôi đã quá ngạc nhiên vì mẹ rất là popular, được lòng nhiều người trong nhóm (nhóm người Hồng Kông, Đài Loan chứ không phải Việt Nam). Mẹ nổi bật, everybody like her, họ không nói được tiếng Anh, mẹ tôi chỉ nói được chút chút; vậy mà mẹ dùng 1 chút tiếng Tầu, 1 chút tiếng Anh, cộng với… hai tay, communicate được với họ mà còn làm cho họ thích mới hay chứ. Còn tôi? Tôi đi bên cạnh mẹ, tôi chìm lĩm! Tôi chỉ là một cái bóng mờ mịt, âm thầm. Chẳng ai biết đến tôi, nếu có biết cũng là nhờ mẹ giới thiệu. Có người còn không tin vì tôi không giống mẹ một chút xíu nào (tôi giống bố). Mẹ đẹp, mẹ diện, còn tôi ….?? Tôi giản dị, lè phè lắm! Tôi cứ ngỡ tôi biết tiếng Anh rành, còn trẻ, đi chơi với mẹ; tôi sẽ giúp, đỡ đần mẹ được nhiều thứ. Có ngờ đâu, nhiều lúc khi tôi chưa điền đơn, làm mọi thủ tục ở phi trường -lo cho tôi chưa xong- thì mẹ đã nhanh nhẹn làm xong từ đời nào và đã đi trước, đứng xếp hàng trước, đợi tôi. Mẹ đi chơi với tôi, tôi không giúp được gì cho mẹ, mà còn làm mẹ cứ phải lo cho tôi vì tôi hay trễ nãi và dễ ngủ, ngồi trên tầu ra biễn, tôi cứ ngủ gà ngủ gật làm cho mẹ lo, bà sợ tôi ngủ quên …. rơi tòm xuống biễn!!?… Đến Hồng Kông, trạm chót; tôi mệt đứ người, chỉ muốn ở lại Hotel để ngủ dưỡng sức thì mẹ đã sông sáo một mình, không cần tôi -lấy taxi, đi subway đến Macao. Đi chơi 3 tuần với mẹ, tôi mới realize (thấy/nhận ra rằng) là mẹ của tôi quá giỏi, tôi không được bằng một góc của bà. Mẹ là người của đám đông. Khi mẹ kễ chuyện là mọi người há hốc miệng, ngồi nghe. Mẹ funny, chịu chơi, charming lại đẹp. Bốn đứa con gái, không đứa nào được bằng mẹ cả. (Có Hảo thừa hưởng được cái có duyên, tiếu lâm, kễ chuyện hay, những đứa con khác, chỉ thừa hưởng được một chút chút thôi, cũng đủ … xài, hì hì). Mỗi khi chúng tôi tỏ ra giỏi giang, làm được thành công chuyện gì thì bạn mẹ, họ hàng, những người quen biết, và cả bố tôi đều hay nói: “Con bà Ninh mà lại!”, “Con gái bà Ninh có khác!”…. (Ninh là tên bố của tôi) Mẹ giỏi và có một trí nhớ tốt. Bà thi Quốc tịch một lần là đậu. Thi lấy bằng lái xe cũng vậy. Chị tôi (hoặc người nào khác trong nhà, tôi không nhớ rõ) và bố tôi phải thi 2 lần mới lấy được Driver License. Mẹ hãnh diện lắm, khoe: “Mẹ thi có một lần là đậu. “X” (tôi không nhớ là ai) còn trẻ , giỏi tiếng Anh mà phải đi thi đến 2 lần.” Mẹ lái xe đi chơi một mình, rất tự lập, không thích nhờ vả con cái bao giờ. Tôi có cái diễm phúc là tôi không phải đi làm nên tôi hay đến chơi với mẹ (Chị Mai tôi hay diễu: “Có con mà gã chồng gần, có bát canh cần nó cũng ăn cho”). Mẹ hay đóng thùng gửi quà về Việt nam. Tôi đến phụ mẹ, chở mẹ đi mua quà, viết thơ cho mẹ, và phụ mẹ bỏ quà vào thùng đóng, mang đi gửi. Đối với họ hàng bên chồng, mẹ rất là oai, được quí hoá, nể vì, vì khi còn ở Việt Nam, bà hay cho quà, biếu xén không thiếu một ai khi Tết nhất; người nào nghèo, mẹ biếu tiền; những ai cần nhờ vả gì, nếu giúp được, mẹ đều giúp cả. Qua đến đây, bà gửi quà vào trong Nam cho bà con của bố tôi và gửi ra Bắc cho anh em ruột thịt của bà (nhưng vẫn không quên gửi tiền giúp người nghèo khổ). Mẹ chu đáo lắm, ai xin gì bà cũng cho, từ cây kim cuộn chỉ… Tôi vẫn còn nhớ hoài, nhớ mãi cái cảnh mẹ ngồi ở bàn gương trang điểm. Hồi nhỏ, tôi thích nhìn mẹ lúc mẹ tôi sữa soạn trước khi đi chơi. Nhìn mẹ kẽ lông mày, nhìn mẹ đánh phấn, thoa son… Bà có một tủ áo dài đủ mầu, nhiều lắm. Mẹ biết sữa soạn, làm cho mình đã đẹp lại đẹp thêm. Bà biết xem, định giá hột soàn và có nhiều nữ trang, vòng, nhẫn, dây đeo cổ. Sau khi bà trang điểm xong, mặc áo dài; lúc nào bà cũng đeo thêm một xâu chuỗi bằng ngọc trai, hoặc bằng đá quí mầu đen, tím hoặc một loại đá quí mầu “tông xì tông” hay mầu contrast với áo dài. Make up xong, mẹ đẹp lộng lẫy! Mẹ tôi đẹp lắm. Gò má cao cao, đôi lông mày cong cong lá liễu, rõ nét. Bà có làn da trắng mịn màng. Mắt to sâu, hai mí làm cái mũi đã cao nhìn còn cao hơn. Mẹ của chúng tôi có một đôi môi đầy đặn, một nụ cười tươi tắn, mỗi khi bà cười, mắt cũng cười, khi mẹ cười có hai dimples nho nhỏ (người Bắc gọi là lổ dùi thì phải?) nhìn rất … dễ thương (con gái tôi may mắn, được thừa hưởng 2 dimples giống bà ngoại). Rất nhiều người đã nói bà có nét đẹp Tây phương. (Khi đọc thơ của thi sĩ Quang Dũng, bài “Đôi mắt ngưới Sơn Tây”, câu: “Mắt em dìu dịu buồn Tây phương”, tôi lại liên tưởng đến cặp mắt của bà). Từ bé, tôi đã say mê ngắm mẹ mình; đã biết rằng mẹ tôi rất đẹp. Bà cao ráo (1 thước 63, cao hơn những người bạn cùng thế hệ của bà), lưng thẳng, dáng bà ngon lành, quí phái. Mẹ rất hãnh diện vì lúc nào mẹ cũng có một cái eo thon gọn, cho dù lớn tuổi bà cũng không bị … xồ ra. Hình như tôi chỉ thừa hưởng được bàn tay và nước da của mẹ. Khi mẹ mất, nằm trong quan tài, tôi thấy hai bàn tay của mẹ để chấp trên bụng, đẹp vô chừng. Da mặt bà, qua 6 tháng dài bệnh hoạn, năm đó bà 68 tuổi, vẫn đẹp, không một nếp nhăn. (Sở dĩ tôi nhớ đến làn da của mẹ vì khi vào nhà thương thăm mẹ, nhiều lúc có cô y tá Mỹ mặc dù còn trẻ, để khuôn mặt của cô gần mặt mẹ; tôi thấy ngay sự khác biệt giữa hai người. Một bệnh nhân gầy đét, sắp từ giã cõi đời nhưng da mặt hoàn toàn không hề nhăn, láng cón -so với cô y tá da đã chùng, xệ, có nhiều nếp nhăn nheo) Qua bao nhiêu năm. Con vẫn nhớ mẹ lắm, mẹ biết không? Khi công chúa Diana chết, con thấy người ta ca tụng cô ta quá đáng, với con, mẹ Theresa ở Ấn Độ hơn Diana nhiều lắm, những bà mẹ Việt Nam vô danh, hơn cô ta nhiều lắm. Những người đàn bà Việt Nam thầm lặng, cả một đời hy sinh cho chồng, cho con, cả một đời làm lụng vất vả, không hề một tiếng than van. Những người mẹ mất con, đi theo sau quan tài lủi thủi, con chết trận khi còn rất trẻ; những người vợ trẻ có chồng chết khi con đứa còn đang nằm trong bụng, đứa thì còn thập thỏm biết đi. Những người đàn bà như bà nội của con, goá chồng khi 2 người con còn nhỏ xíu, một mình tảo tần nuôi con khôn lớn, ở vậy nuôi con mặc dầu còn rất trẻ, còn đẹp lắm. Những người đàn bà Việt Nam, những người mẹ quê mùa, tay lấm chân bùn… những người đó mới xứng đáng để được nêu danh và ca tụng. Những người đàn bà như hai bà Trưng, bà Triệu, cô Giang, cô Bắc, Lê thị Công Nhân, Thanh Thuỷ… đã hy sinh thân mình để làm những chuyện lớn, mong có một đất nước, một chính thể khá hơn; những người đàn bà can đảm đó, với con, mới xứng đáng được ngưỡng mộ và bái phục. Và mẹ ơi, con đã nghĩ đến mẹ. You are my real hero. Với con, Diana làm sao bằng mẹ được. Cô ta đâu có mang nặng 10 lần, đẻ đau 9 lần như mẹ. Cô ta đâu có phải làm ra đồng tiền bằng mồ hôi và nước mắt như mẹ, đâu có gần gũi và cho con cô ta những lời khuyên, những kinh nghiệm sống rất quí giá, như mẹ đã cho con? Cô công chúa đó làm sao có thể làm được những món ăn ngon lành, bổ ích, như mẹ đã. Mẹ là người đàn bà giỏi giang, đảm đang, vượng phu ích tử. Mẹ mất đi, chắc những con vịt ngoài hồ, mà mẹ thường hay cho ăn, cũng thấy buồn!!. Những người hàng xóm, bạn bè của mẹ không còn được mẹ biếu rau, được cho những món ăn ngon, chắc thấy tiếc nhớ mẹ vô cùng! Một số người nghèo ở VN cũng bị thiệt hại và anh em của mẹ, họ hàng bên bố, chắc chắn phải nhớ thương mẹ rất nhiều. Mẹ ơi, con vẫn cố làm một con người tốt, bắt chước mẹ để không hổ danh là con gái của bà Ninh nhưng khi viết những giòng chữ này, con cảm thấy chẳng bao giờ con có thể sánh bằng với mẹ. Ngày lễ dành cho những bà mẹ sắp đến, con cảm thấy nhớ mẹ vô vàn. Happy early Mother Day, Mom. Con viết những giòng này để tưởng nhớ đến mẹ. Mẹ yêu dấu của con. |
13 May 2012
Trang Thơ Nhạc cho ngày Hiền Mẫu - Happy Mother's Day
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment