10 June 2014

NHỮNG TRANG SỬ OAI HÙNG CHỐNG TÀU



NHỮNG TRANG SỬ OAI HÙNG CHỐNG TÀU 

Nước Việt Nam ta trải qua 4,000 năm lập quốc và dựng nước, đã bao lần bị xâm lăng bởi ngoại bang, nhất là quân Tàu. Có những lần tưởng như là không còn có cơ hội tồn tại, nhưng với bản năng quật cường, lòng gan dạ và sức chịu dựng gịan khổ bền bỉ, dân ta đã nhiều lần nổi dậy chiến đấu chống quân thù, giành lại nền độc lập cho nước nhà.

Ngoài các vị anh hùng hào kiệt và quân dân đã chiến đấu dũng cảm và chịu hy sinh để cứu nước, còn có những kẻ ích kỷ vì quyền lợi cá nhân, và giòng họ, đã bán rẻ anh em và đồng bào, cõng rắn cắn gà nhà khiến dân ta chịu nhiều nhục nhằn khổ sở.

Sử gia Trần Trọng Kim đã viết “Người An Nam hay có tính ỷ lại, có việc gì chỉ muốn nhờ người khác chứ tự mình không muốn làm lấy. Họ không hiểu rỏ nghĩa dân với nước, nhà nào lên làm vua thì coi cả nước là của riêng của mình, hễ ai lấy mất thì cố tìm cách , dù là đê hèn như cầu viện ngoại bang để lấy lại. Họ có biết đâu rằng, quân Tàu thật dã man, sau khi chiếm được nước rồi, thì họ bằng mọi cách cướp phá bằng hết không một chút thương xót người đồng loại”.
Để tưởng nhớ các vị anh hùng đã cứu nước và cũng để nhắc nhớ những trang sử oanh liệt của tiền nhân, chúng tôi xin tóm luợc những cuộc nổi dậy chống quân Tàu xâm lược.

Cuộc khởi nghĩa của Hai BàTrưng:

Viên thái thú Tô Định đời Quang Vũ nhà Hán cai trị nước ta thật là bạo ngược . Năm 40, Tô Định giết ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc . Bà Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị, con gái quan Lạc Tướng ở huyện Mê Linh, Phúc Yên, đã hô hào dân chúng nổi dậy chống quân xâm lược. Lúc bấy giờ các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng nổi lên theo hai bà vì không chịu nổi sự cai trị hà khắc của quân Tàu. Sau khi đánh đuổi được quân Tàu về nước, hai bà xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Ba năm sau, hai bà bị Mã Viện đánh thua, phải nhảy xuống sông Hát tuẫn tiết.

Cuộc khởi nghĩa của bà Triệu năm 248:

Bà Triệu tên là Triêu Thi Trinh, quê ở Nông Cống, là người có sức mạnh, có ý chí và nhiều mưu lược,Vì sự thống trị dã man của quân Đông Ngô, bà vào núi chiêu mộ khoảng 1,000 chiến sĩ luyện tập để chống giặc. Anh bà là Triệu quốc Đạt khuyên bà không nên nhưng bà nói rằng : "Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp đường sóng dữ, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi đắm đuối chứ không bắt chước người cúi đầu, cong lưng để làm tì thiếp người ta". Bà ra trận cỡi voi, mặc áo giáp vàng, xưng là Nhụy Kiều tướng quân. Nhưng vì quân ta ít, quân giăc đông và  dưới sự chỉ huy của Lục Dạn, một tướng giỏi của Tàu, lại thêm sự phản bội của một người Việt trong hàng ngũ quân của bà nên quân ta thua. Bà hy sinh trên núi Tùng, Thanh Hóa, lúc bà mới 25 tuổi.

Cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn năm 469.

Năm 469, dưới sự cai trị tàn bạo của nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn, còn gọi là Lý Bí, quê ở Thái Bình, được sự ủng hộ của Triệu Túc, một tù trưởng ở Hưng Yên và con là Triệu Quang Phục đã khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương về Tàu. Quân Lương sang tiếp viện nhưng lại bị đánh bại. Lý Bôn xưng vương, hiệu là Lý Nam Đế, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân, lập kinh đô ở sông Tô Lịch. Về sau, quân Lương lại sang đánh báo thù, quân Lý Nam Đế thua nhiều trận. Lý Nam Đế bị bệnh mất, trao quyền cho Triệu Quang Phục.

Triêu Quang Phục rút quân về đầm Dạ Trạch, Hưng Yên, tự túc, tự cường, tích trữ lương thực để chiến đấu lâu dài, vì thế quân ta bị bao vây rất lâu nhưng vẫn tồn tại và thỉnh thoảng lại mở  các cuộc đột kích đánh phá quân Lương khiến giặc gặp rất nhiều khó khăn. Về sau, Triệu Quang Phục xưng là Triệu Việt Vương rồi mở cuộc phản công qui mô giết đuợc tướng giặc là Dương Sào giành lại nền độc lập cho nước nhà.

Cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế:

Mai Thúc Loan người huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh, sức vóc khỏe mạnh, măt mũi đen xì,  là người gan dạ và có chí khí. Năm 722, dân ta bị cai trị bởi nhà Đường. Bấy giờ là đời Đường Huyền Tông, dân ta phải cống nộp đủ thứ , nhất là quả vải (lệ chi ) để vua Đường phục vụ cho Dương  Qúi Phi. Có một lần trong khi khuân vác nặng nhọc, một người Việt yếu sức quá không đi nổi, bị một tên lính Tàu áp tải đánh chết. Ông Mai Thúc Loan cũng có mặt trong đoàn áp tải ngày hôm đó, nổi giận, hô hào mọi người cùng giết hết lũ giặc.Sau đó, ông hiệu triệu dân chúng chiếm giữ một vùng trong tỉnh Nghệ An , xây thành, đắp lũy, xưng là hoàng đế, tục gọi là Mai Hắc Đế. Về sau Mai Hắc Đế bị quân nhà Đường đánh bại.

Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng:

Năm 767, dưới sự cai trị khắc nghiệt của Cao Chính Bình đời Đường, ông Phùng Hưng, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, nổi dậy chống giặc. Sau hơn 20 năm chiến đấu gian khổ, quân Việt đã đánh tan nát quân Tàu, buộc chúng phải chạy về nước.Ông làm vua được 7 năm thì mất,trao quyền cho con là Phùng An. Phùng An tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương.

Cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ:

Năm 905, ông Khúc Thừa Dụ, quê ở Hải Dương, cùng dân ta nổi dậy  đánh đuổi đươc quân Tàu về nước. Khúc Thừa Dụ xưng vương, đã bãi bỏ hết các quan lai cũ, bỏ bớt thuế má để bớt gánh nặng cho dân, rồi xây dưng một một chính quyền độc lập để người Việt cai trị. Năm 917 Khúc Thừa Dụ mất, truyền ngôi cho con là Khúc Thừa Mỹ. Sau Khúc Thừa Mỹ bị Lý Tiến và Lý Chính Bình nhà Nam Hán đánh bại.

Cuộc khởi nghĩa của Dương Diên Nghệ:

Năm 931, ông Dương Diên Nghệ, một bộ tướng của Khúc Hạo, mộ quân đánh đuổi được Lý Tiến va Lý Chính Bình về nước rồi xưng là Tiết Độ Sứ. Sáu năm sau, ông bị người nha tướng là Kiều Công Tiễn ám hại.

Cuộc khởi nghiã của Ngô Quyền.

Ông Ngô Quyền, người làng Đường Lâm, Sơn Tây, là một bộ tướng của Dương Diên Nghệ. Ông là một người tài đức, có chí khí nên được Dương Diên Nghệ gả con gái cho và cho cai quản đất Aí Châu. Khi được tin Dương Diên Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết, ông bèn đem quân ra đánh. Kiều Công Tiễn sợ quá, cho người sang Tàu cầu cứu. Vua Nam Hán bên Tàu được thể, bèn sai con là thái tử Hoằng Thao, đem quân sang đánh trước và vua dẫn quân đi sau tiếp viện. Ngô Quyền giết được Kjều Công Tiễn rồi sai quân bày trận cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, dụ cho quân Nam Hán đuổi theo rồi phản cômg khi nước thủy triều xuống. Thái tử Hoằng Tháo bị giết cùng với quá nửa quân Tàu. Vua Nam Hán sợ quá phải rút quân tháo chạy về Tàu, không dám đem quân sang quấy nhiễu nước ta nữa.Nhờ có Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi được ách bắc thuộc hơn 1,000 năm, mở đường cho các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần về sau được tự chủ ở cõi An Nam. Ngô Quyền làm vua được sáu năn thì mất, Khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha, em vợ Ngô Quyền, con Dương Diên Nghệ, đươc Ngô Quyền ủy thác giúp tự quân, lại cướp ngôi vua của cháu. Về sau Dương Tam Kha bị con Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập đánh đuổi. Ngô Xương Ngập cùng anh là Ngô Xương Văn cùng làm vua nhưng rồi tranh dành quyền lực khiến nước bị đại loạn, chia cắt thành 12 sứ. Về sau Đinh Bộ Lĩnh dẹp đươc 12 sứ quân xưng làm Đinh Tiên Hoàng.

Cuôc đánh đuổi quân Tống của vua Lê Đại Hành:

Lê Hoàn, người làng Bảo Tháp, tỉnh Hà Nam là một tướng giỏi đời vua Đinh Tiên Hoàng, được liệt vào một trong Giao Châu thất hùng, được vua Đinh phong làm thập đạo tướng quân ( chức nắm chọn binh quyền trong tay). Khi Đinh Tiên Hoàng bi tên Đỗ Thích ám sát, Đinh Tuệ mới 6 tuổi được lập làm vua và được sự nhiếp chính của mẹ là Dương Thái Hậu và Lê Hoàn. Các tướng Đinh Điền, Phạm Hạp và Nguyễn Bặc sợ Lê Hoàn chuyên quyền nên hop quân đi đánh, nhưng bị Lê Hoàn dẹp và giết hết.

Năm 981, vua tôi nhà Tống thừa dịp nội bộ An Nam lủng củng, sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng và thủy sư đô đốc Lưu Trừng đem thủy bộ binh mã sang đánh nươc ta. Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng đem quân lên Lạng Sơn chấn giữ. Trước khi mang quân lên Lạng Sơn, Phạm Cự Lượng họp quân sĩ cùng suy tôn Lê Hoàn lên làm vua để có người tài giỏi chỉ huy toàn quân. Thái Hậu Dương Vân Nga, thấy vua còn nhỏ quá, không thể nào gánh vác được việc nước trong cơn nguy hiểm này, nghĩ đến tiền đồ dân tộc và lại thấy toàn quân ủng hộ Lê Hoàn, một người tướng tài được bà yêu kính, nên bà đã khoác áo Long Cổn mặc vào cho Lê Hoàn. Lê Hoàn lên làm vua  lấy niên hiệu là Lê Đại Hành. Vua để Thái Hậu tự nhiếp chính, con vua tự mang quân đi chống giặc. Với tài trí tuyệt vời, vua đã sai quân cầm chân thủy quân của Lưu Trưng trên sông, lừa quân của Hồ Nhân Bảo vào chỗ hiểm ở Ôn Châu, Lang Sơn. Hồ Nhân Bảo và một nửa số quân bị thảm tử. Bọn Lưu Trừng sợ quá, phải rút thủy quân tháo chạy.

Sau khi đánh tan quân Tống, vua Lê Đại Hành lại đem quân dẹp Chiêm Thành bắt phải triều cống vì nước này hay đem quân quấy nhiễu nước ta.

Lý Thường Kiệt đánh Tống

Năm 1075, vua Lý Nhân Tông và Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, biết ý tể tướng Vương  An Thạch nhà Tống muốn mang quân sang đánh nước ta bèn dùng chiến lược tấn công đẻ phòng thủ, tiên hạ thủ vi cường,  sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10 vạn quân sang đánh các châu Liêm, châu Khâm ( Quảng Đông ), và Uy châu ( Quảng Tây ). Quân nhà Lý giết hại hơn 10 vạn quân dân Tàu.

Năm 1076, vua nhà Tống sai Quách Qùy va Triệu Tiết là cácdanh tướng mang quân sang đánh nước ta để trả thù. Quân nhà Tống đánh rất hăng nhưng quân ta, dưới sự chỉ huy tài giỏi của Lý Thường Kiệt, đã oanh liệt chống giữ. Để khích lệ sức chiến đấu của binh sĩ, Lý Thường Kiệt đã sáng tác một bài thơ phao tin là được thần nhân mách bảo:

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm.
Nhữ đẳng hành khan, thủ bại hư.

Sau khi nghe được bài thơ, quân ta càng nức lòng đánh giăc. Lý Thường Kiệt sợ đánh lâu bất lợi vì quân Tàu quá đông nên sai sứ sang xin hoãn binh. Vua Tống, thấy quân mình không tiến lên được mà tướng sĩ đã chết quá nửa ( trên 4 vạn quân ), nên thuận cho hòa và rút quân về nước. Dây là một chiến công oanh liệt mà nhà Lý đã làm vẻ vang cho nước nhà và làm cho quân Tàu khiếp sợ

Nhà Trần chống quân Nguyên:

Lần thứ I: Năm 1258 , quân Nguyên,đời Hốt Tất Liệt, người đã càn quét hết nước Tàu và gần một nửa Châu Âu, sau khi chiếm đươc Đại Lý ( Vân Nam ), đã tiến său vào lưu vưc sông Hồng Hà, thế rất mạnh. Quân ta không chống nổi, phải lui dần về phía Nam. Vua Trần Thá Tông phải bỏ thành Thăng Long. Vua lo sợ , hỏi ý thái sư Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ là một người tài ba, lỗi lạc, đã sửa soạn trước việc chống giặc nên rất bình tĩnh trả lời :( Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo ). Lời nói đó đã giữ vững tinh thần của vua và toàn quân. Về sau quân ta phản công chiếm lai Đông Bộ Đầu, đánh bật quân Nguyên về nước.

Lần thứ II: Năm 1282 Hốt Tất Liệt muốn đánh nước ta để trả thù nên sai sứ bắt vua ta phải sang chầu, phải nộp ngà voi, vàng bạc, hiền sĩ và thợ khéo. Vua Trần Nhân Tông sai chú họ là Trần Di Aí đi sứ thay mình. Vua Nguyên không chịu, quyết ý đánh chiêm nước Việt, nên xuống chỉ lập tòa Tuyên Phủ Ti, đặt quan liêu thuộc để sang giám định các châu huyện của nước ta.  Vua Nhân Tôn không chịu, bèn đuổi hết đám đó về Tàu. Vua Nguyên tức giận, bèn lập Trần Di Aí làm An Nam Quốc Vương, và sai Sài Thung dẫn 1,000 quân đưa bọn đó về làm vua nước Nam. Vua Nhân Tông sai tướng đón đánh, bắn mù một mắt Sài Thung, và bắt Trần Di Aí đi làm lính tội đồ.

Khi Sài Thung thua chạy về nước, vua Nguyên thật là giận giữ, sai con là Thoát Hoan cùng các danh tướng : Toa Đô, Ô Mã Nhi đem 50,000 quân sang đánh nước ta. Vua Nhân Tông  mời các bô lão đến họp  hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến,  nên chịu thua hay nên chiến. Các bô lão đồng thanh hô to: “ QUYẾT CHIẾN “. Hưng Đạo Đại Vương là một người tài ba, lỗi lạc, được vua Trần Nhân Tông trao toàn quyền chống giặc. . Ông đã có sẵn kế hoạch phá đich. Ông đã soan một quyển binh thư yếu lược, để cho tứớng sĩ hoc tập.  Vương cũng đã soạn ra một bài hịch khuyên răn quân dân đồng lòng chống giăc. Với sách lược tuyệt vời, Vương cho quân mai phục, vừa đánh, vừa lui để làm chậm bước tiến của địch và để bảo toàn lực lượng chờ lúc phản công. Vương khuyên dân chúng dùng chính sách vườn không, nhà trống, đốt hết nhà cửa và lương thực, rút vào núi khi giặc đến. Quân Nguyên tấn công thật vũ bão, quân ta phải rút về Vạn Kiếp, rồi bỏ Thăng Long rút về Thanh Hóa. Hưng Đạo Vương sai thượng tướng Trần Khanh Dư trấn giữ Nghệ An và các nơi hiểm yếu. Tại Nghệ An, Trần Kiệm ra hàng giặc. Hưng Đạo Vương sai quân đón đánh, giết chết Trần Kiệm.

Tại Thiên Trường, Trần Bình Trọng đánh nhau với quân Nguyên ở Đông An, Hưng Yên, bị thua và bị bắt.Thoát Hoan dụ Trần Bình Trọng: “ CÓ MUỐN LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC KHÔNG?” Trần Bình Trọng quát lớn : “ TA THÀ LÀM QUỈ NƯỚC NAM CHỨ KHÔNG THÈM LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC “.Thoát Hoan thấy dụ  không đươc nên sai chém đầu ông..

Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông lo sợ, nên bàn với Hưng Đạo Vương xin hàng để tránh tai họa cho dân. Hưng Đạo Vương tâu :( NẾU BỆ HẠ MUỐN HÀNG, XIN TRƯỚC HÃY CHÉM ĐẦU TÔI ĐÃ )..Các vua nghe nói thế mới vững lòng. Toàn quân đều hăng hái, quyết chiến, lấy mực thích vào cánh tay hai chữ ( THÁT ĐÁT ).

Toa Đô đánh Nghệ An mãi không được, vì tướng Trần Quang Khải đã trấn giữ hết các nơi hiểm yếu. Toa Đô bàn với Ô Mã Nhi rút quân xuống thuyền, vượt biển ra Bắc để hơp binh với Thoát Hoan.

Vua Trần Nhân Tông nghe lời Hưng Đạo Vương, sai Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân đón đánh Toa Đô tại Hải Dương. Quân giặc thua to phải chạy về Thiên Trường, rồi rút quân về sông Thiên Mạc( khúc sông Hông Hà thuộc địa hạt Đông An, Hưng Yên.) rồi  về Tây Kết, phủ Khoái Châu, Hưng Yên. Quân ta tấn công dữ dội, giết chết Toa Đô và bắt được 3 vạn quân Nguyên. Hưng Đaọ Vương lại sai Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão đem quân theo đường biển tiến đánh Chương Dương. Quân Nguyên thua to phải chay về Thăng Long.

Thoát Hoan ở Thăng Long bị Trần Quang Khải đánh úp, thua chạy về Bắc Ninh. Hưng Đạo Vương dẫn quân đánh Thoát Hoan ở Bắc Giang. Quân Thoát Hoan thua to, phải chạy về Vạn Kiếp, thì bị phục kích. Tướng Lý Hằng và nửa số quân bị giết. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân sĩ kéo chạy về Tàu.

Quân Nguyên, lúc sang đánh nước ta hùng hổ bao nhiêu thì khi bị bại trận, lại thảm hại  bấy nhiêu.

Đây là một trận đánh oai hùng, lịch sử đáng để muôn đời ghi nhớ. Đó là nhờ sư đoàn kết của toàn dân.

Lần thứ III: Năm 1287, vua Nguyên lại sai Thoat Hoan và các chiến tướng là A Bát Sích, A Lỗ Sích, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem 30 vạn quân sang đánh phục thù.. Lại với chiến thuật vừa đánh, vừa lui, vườn không, nhà trống của Trần Hưng Đạo, quân ta lui dần về Vạn Kiếp rồi Thanh Hóa để giữ nguyên chủ lưc. Thoát Hoan vây thành Thăng Long nhưng đánh mãi không được vì sự kháng cự dũng cảm của quân dân ta, phải lui về Vạn Kiếp.

Vua Trần Nhân Tông sai Trần Khánh Dư chặn đánh Ô Mã Nhi đi đón lương thực tại cửa bể Đại Nguyên , Hải Dương nhưng quân ta bị thua. Vua Nhân Tông muốn trị tội Khánh Dư nhưng Trần Khánh Dư xin dược đánh lại để lập công, chuộc tội. Trần Khánh Dư bèn nhặt nhạnh hết các thuyền bè, rồi phục kích đội thuyền lương của Trương Văn Hổ cướp được hết các thuyền lương của giặc. Thấy mất hết lương thực, và lại đánh mãi không được, các tướng Nguyên nản chí, khuyên Thoát Hoan nên rút lui. Thoát Hoan thấy không thể thắng được nên đồng ý rút lui, bèn sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn quân theo đường sông Bạch Đằng về trước. Hưng Đạo Vương sai Phàn Khoái đặt trận cọc trên sông Bạch Đằng, phục kích. Quân Nguyên bị đại bại. Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi bị bắt. Thoát Hoan sợ quá, chạy đến ải Nội Bàng thì lại bị tướng Phạm Ngũ Lão phục kích, quân Nguyên bị giết quá nửa, phải tháo chạy về Tàu.

Trong kỳ chiến đấu này, có lúc thật nguy cơ, nên vua Trần Nhân Tông phải dùng kế mỹ nhân, hiến con gái cưng là An Tư công chúa cho Thoát Hoan để mê hoặc và làm nhụt chí chiến đấu của Thoát Hoan. Lúc hai bên giao chiến tại Thăng Long, An Tư công chúa đã đã thùa dịp đốt kho đạn của quân Nguyên khiến quân giặc khiếp sợ và công chúa đã hy sinh trong khói lửa. Thật anh dũng thay.

Nhà Trần đã 3 lần đánh tan quân Nguyên, một đoàn quân bách thắng từ Âu sang Á. là nhờ sự đoàn kết của toàn dân và sự lãnh đạo tài giỏi của Hưng Dạo Vương. Thật là một trang sử oai hùng của dân tộc, đáng ghi nhớ đời đời

Cuộc khởi nghĩa của Giản Định Đế:

Nhà Trần mất về nhà Hồ. Tướng nhà Minh là Mộc Thạch được lệnh sang đánh nước ta.

Năm 1407, Giản Định Vương, con của Trần Nghệ Tông, được các tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân phò tá, đã đứng lên đánh đuổi dược Mộc Thạch về đến huyện Y Yên và chém được tướng Từ Nghi. Về sau Giản Định Vương nghe lời xúi xiểm của đám hoạn quan cận thần, giết chết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Các con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bèn bỏ Giản Định Vương về phò Trần Qúi Khách. Trần Qúi Khách và Giản Định Vương lại hợp tác với nhau đánh đuổi đuợc Mộc Thạch về nước.

Vua nhà Minh lai sai Trương phụ sang đánh. Quân ta thua, Trần Qúi Khách, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đều bị bắt giải sang Tàu nhưng cả ba người vì tiết tháo đã nhảy xuống biển tự tử.

Cuộc Khởi Nghĩa của Lê Lợi:

Năm 1418, ông Lê Lơi, quê ở Lam Sơn, Thanh Hóa, cùng Lê Thạch và Lê Liễu khởi binh tại Lam Sơn xưng là Bình Định Vương rồi truyền hịch đi khắp nơi kể tội ác của quân Minh và hô hào toàn dân nổi dậy.Dân ta bị áp bức đã lâu, nên mọi người ùn ùn theo về dưới trướng Bình Định Vương.

Lúc đầu, vì quân ít, lại thiếu lương thực, quân ta thua nhiều trận, phải rút về núi Chí Linh 3 lần. Có  một lần, Lê Lợi bị vây hãm quá nguy kịch tưởng không thoát khỏi bại vong thì được Lê Lai liều mình giả mạo cứu chúa. Về sau Lê Lợi được Nguyễn Trãi theo phò, dâng kế sách bình Ngô. Nguyễn Trãi là con ông bảng nhỡn Nguyễn Phi Khanh, làm quan đời nhà Hồ. Khi cha con Hồ Qúi Ly bị nhà Minh đánh bại và bị bắt sang Tàu, ông Nguyễn Phi Khanh có đi theo, Nguyễn Trãi đi theo cha khóc lóc. Ông Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi: ( Con phải trở về nhà mà luyện chí trả thù cho cha và rửa nhục cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì). Từ đó Nguyễn Trãi về nuôi chí, soạn thảo ra kế sách diệt giặc. Vua Lê Lợi nghe theo kế  của Nguyễn Trãi vây thành Tây Đô, quân ta đánh bại Vương Thông tại Tụy Động, giết 5 vạn quân và bắt sống 1 vạn quân Tàu, khiến Vương Thông phải rút quân về thành Đông Quan. Tại thành Đông Quan, quân Vương Thông thua mãi, phải xin hàng và hứa sẽ rút hết quân về nước. Lúc bấy giờ có mấy viên quan người Việt phản quốc, phò Vương Thông, xúi Vương Thông không nên hàng vì sợ bị giết, nên Vương Thông nuốt lời hứa, sai người mang thư về Tàu xin vua Minh cho quân sang cứu viện. Vua Minh sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân sang giúp Vương Thông. Theo kế của Nguyễn Trãi, vua Lê Lợi sai quân đánh phá khắp nơi để làm hoang mang quân giặc. Liễu Thăng vì kiêu căng, không nghe lời khuyên của quân tướng nên bị dụ vào một vùng bùn lầy, bị chém chết tại trận. Quân ta thừa thắng chém giết vô số quân Tàu. Vương Thông thấy quân cứu viện đã thua nên xin hàng và rút hết quân về nước.

Sau 10 năm chiến đấu gian khổ, quân ta toàn thắng. Lê Lợi lên làm vua , đặt tên nước là Đại Việt, mở đầu cho một thời kỳ độc lập lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam.

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh:

Tổ tiên anh em Tây Sơn họ Hồ quê ở Nghệ An. Vào khoảng các năm 1653-1657, quân nhà Nguyễn đánh ra đàng ngoài, chiếm được 7 huyện thuộc trấn Nghệ An. Khi rút quân về, nhà Nguyễn có mang theo nhiều người, trong đó có ông tổ của Tây Sơn, vào lập nghiệp tại Hoài Nhân, Bình Định. Ông tổ của Tây Sơn đổi họ Hồ sang họ Nguyễn.

Đời chúa Nguyễn Phúc Thuần, Trương Phúc Loan chuyên quyền, tác oai, tác quái, lòng dân căm ghét, giặc giã khắp nơi.
 Anh em Tây Sơn dựng trại khởi nghĩa, chiếm được Quy Nhơn rồi Phú Yên. Nguyễn Nhạc xưng làm Tây Sơn Vương rồi Thái Đức Hoàng Đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhượng Tướng Quân rồi Bắc Bình Vương chấn thủ miền Thuận Hóa.

Năm 1786, Bắc Bình Vương ra Thăng Long diệt Trinh, phò Lê và lấy con gái vua Lê Hiển Tông là Ngọc Hân công chúa.Khi vua Lê Hiển Tông mất, Bắc Bình Vương lập Lê Chiêu Thống lên làm vua theo ý kiến của triều thần ngoài Bắc. Nguyễn Nhạc sợ Nguyễn Huệ lấn quyền nên đích thân ra Bắc đón Nguyễn Huệ về. Sau khi Bắc Bình Vương rút quân về thì Trịnh Bồng lại trở về và lấn áp vua Lê như cũ. Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh ra dẹp bỏ Trịnh Bồng nhưng rồi Chỉnh lại chuyên quyền, lấn áp vua Lê. Bắc Bình Vương lai sai Vũ Văn Nhậm ra dẹp Chỉnh nhưng rồi Nhậm lại theo vết xe cũ của Chỉnh. Bắc Bình Vương lại đích thân ra Bắc giết Nhậm, rồi để Ngô văn Sở, Phan Huy Ich và Ngô Thời Nhiệm ở lại lo toan mọi việc còn ngài  rút quân về miền trong vì còn nhiều việc phải lo.

Năm 1788, vua Lê Chiêu Thống và bà Hoàng Thái Hậu cùng một số quan lại thủ cựu chạy sang Tàu cầu cứu vua nhà Thanh. Vua Càn Long nhà Thanh đã rình rập nước ta từ lâu, nên sai Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nhi Đống và Hứa Thế Hanh đem 30 vạn quân sang đánh nước ta lấy cớ là để phù Lê. Vào thời bấy giờ, quan lại và dân chúng ngoài Bắc vẫn coi nhà Tây Sơn là đám giăc cỏ cướp nước, nên mọi người rất thờ ơ, không ai nghĩ đến việc chống giặc, thậm chí còn đón bắt hay chỉ điểm cho quân Tàu đón bắt quân ta. Tôn Sĩ Nghị tiến quân vào Thăng Long không chút kháng cự nên rất kiêu căng và để quân sĩ tự do cướp bóc.

Ngô Văn Sở ở Thăng Long, nghe lời cố vấn của Ngô Thời Nhiệm rút quân về Tam Hiệp ( ranh giới Ninh Bình và Thanh Hóa ), rồi sai người về Phú Xuân cấp báo.

Ngày 22 tháng giêng âm lịch năm 1788, Nguyễn Huệ xưng là Quang Trung Hoàng Đế, rồi tự mình thống lãnh thủy bộ đại binh ra Bắc dẹp giặc. Vua truyền cho quân sĩ ăn tết trước rồi đến đêm trừ tịch thì cất quân đi. Ngài dùng cách, cứ 3 người làm một tổ, thay nhau khiêng võng để quân sĩ đỡ mệt nhọc và di chuyển quân nhanh hơn. Nửa đêm ngày 3 tháng giêng năm 1789, quân Tây Sơn vây kín làng Hà Hồi, bắt hết quân giặc không cho một tên nào chạy thoát để giữ bí mật. Sáng ngày 5 tháng giêng thì quân ta tiến đánh làng Ngọc Hồi, giết quân Thanh thây nằm ngổn ngang, Đề Đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Sĩ Long và tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận. Sầm Nghi Đống đóng quân ở Đống Đa ( cạnh Thái Hà Âp, Hà Nội ), bị vây phải thắt cổ tự tử. Tôn Sĩ Nghị sợ quá, phải bỏ cả ấn tín, chạy thục mạng qua sông Bắc. Quân Tàu quá khiếp sợ, ùn ùn chạy theo qua cầu, cầu sập, quân Tàu chết kín cả sông Nhị Hà.

Vua Quang Trung vào Thăng Long, hạ lệnh chiêu an, cấm ngặt quân tướng không được cướp phá dân chúng. Vua còn cấp quần áo, lương thực cho đám quân Thanh bị bắt rồi đưa về nước.Vua lại sai Ngô Thời Nhiệm viết thư sang xin hòa với nhà Thanh để tránh việc trả thù. Tuy vậy, vua Càn Long nhà Thanh vẫn sai Phúc An Khang đem quân sang đánh báo thù. Phúc An Khang, khi đến Quảng Tây, nghe tiếng quân Nam dũng mãnh quá nên sợ. Vua Quang Trung còn sai người đút lót cho Hòa Thân nhà Thanh nói giúp. Cuối cùng, vua nhà Thanh thấy đánh cũng bất lợi, nên đồng ý cho hòa.

Vua Quang Trung chỉ một trận, đã anh dũng phá tan 20 vạn hùng binh của quân Thanh, tưởng chưa có một chiến công nào lẫy lừng như thế từ xưa đến nay.

Vua Quang Trung cầu hòa với nhà Thanh cố ý để có thời gian xây dựng lại đất nước, tích trữ lương thảo, tổ chức một quân đội thật hùng mạnh, chờ dịp đem quân đánh nước Tàu. Vua còn dùng giặc Tàu Ô quấy nhiễu miền biên giới Tàu, thu dùng các người thuộc đảng Thiên Địa Hội, một đảng phù nhà Minh, chống nhà Thanh.

Năm 1792, để thử lòng vua Càn Long, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn với công chúa nhà Thanh và đòi lại đất Lưỡng
​ Quảng cho Việt Nam.Hận thay, mộng chưa thành, vua Quang Trung thình lình băng hà, lúc đó mới 40 tuổi. Các quan dìm việc cầu hôn và đòi đất, không cho nhà Thanh biết. Vua Quang Trung mất sớm, thật là một mất mát to lớn cho dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta nhận thấy là nước Tàu, cậy to lớn, luôn luôn rình rập, chờ cơ hội để xâm lấn nước ta. Khi nào họ thấy nước mình yếu kém là họ thừa cơ lấn đất, xâm lăng.

Có một số người dân ta, vì lòng ích kỷ, đặt quyền lợi cá nhân, phe phái trên quyền lợi dân tộc, tổ quốc nên đã mù quáng không cảnh giác, lại còn cầu cứu giặc đến cướp phá nước ta.

Một số quan lại trí thức thì hủ lậu, chỉ biết nhắm mắt theo sách vở học được của Tàu, khư khư phò một giòng vua dù các vua đó hèn kém, chỉ biết ăn chơi, phá hoại công quỹ, đầy ải nhân dân. Dân ta chỉ khi nào bị đầy ải cướp bóc, không còn lối thoát, mới biết đoàn kết đứng lên chống giặc. Đến khi đó thì nhà đã tan, cửa đã nát, tài nguyên quốc gia đã kiệt quệ.
-sưu tầm qua internet-
__._,_.___

No comments:

Post a Comment