8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, thế giới lại đang gánh một lượng nợ lớn chưa từng có tiền lệ. “Núi nợ lớn hơn gấp đôi quy mô nền kinh tế và vượt xa GDP toàn cầu”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.
IMF đã kêu gọi các chính phủ tìm biện pháp giải quyết núi nợ “khủng” 152 nghìn tỷ USD trước khi nó gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính mới trên toàn cầu.
Trước tình cảnh mức nợ không chỉ ở mức cao mà còn đang tiếp tục gia tăng, IMF cho biết cần phải can thiệp sớm để ngăn chặn nguy cơ lặp lại của khủng hoảng bong bóng nhà đất Mỹ gần một thập kỷ trước.
Nghiên cứu mới trên 113 quốc gia trong nửa đầu năm 2016 đã cho thấy mức nợ hiện đang ở mốc kỷ lục 225% GDP toàn cầu, trong đó 2/3 số nợ thuộc về khu vực tư nhân.
Giám đốc Ban Tài chính của IMF – Vitor Gaspar cho biết: “152 nghìn tỷ là một mức nợ cao chưa từng có tiền lệ. Nhiều khu vực trên thế giới đang có mức nợ quá lớn, đặc biệt ở một số khu vực, nợ của các tổ chức phi tài chính đang gia tăng chóng mặt”.
IMF khuyến nghị các chính phủ có thể sử dụng chính sách thuế và trái phiếu chính phủ để tái cơ cấu nợ và hoãn thuế để thuyết phục các chủ nợ kéo giãn thời hạn thanh toán.
Các ngân hàng Trung ương đã chịu đựng gánh nặng của những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong tám năm qua. Nợ khu vực tư nhân quá lớn đã làm cho toàn cầu phục hồi khó khăn hơn và tăng nguy cơ bất ổn định tài chính. Sự gia tăng nhanh chóng nợ tư nhân thường dẫn đến các cuộc suy thoái tài chính trong thời gian lâu và trầm trọng hơn mức bình thường.
Ông Gaspar cho biết nợ phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở các nước tiên tiến phương Tây và một số các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc. Ông khuyên các quốc gia nơi đối diện nguy cơ khủng hoảng phải có biện pháp chủ động và can thiệp kịp thời.
Báo cáo của IMF cho thấy mức nợ tổng thể đã không giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2007-09, vốn là đợt suy thoái nghiêm trọng nhất của thời kỳ hậu chiến tranh, bắt nguồn từ việc cho vay ồ ạt thiếu kiểm soát.
Mức nợ được đẩy cao sau chiến tranh thế giới thứ hai, trải qua những thập kỷ tăng trưởng nóng và lạm phát vừa phải đã dẫn đến một sự suy thoái ổn định trong tỷ lệ Nợ/GDP.
Theo ông Gaspar, mức nợ bây giờ cao hơn so với cuộc khủng hoảng 2007-09 là do tăng trưởng kinh tế yếu ớt.
Một số nước, bao gồm cả Anh, đã có sự suy giảm nợ trong khu vực tư nhân (lĩnh vực phi tài chính) kể từ cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, IMF bày tỏ lo ngại về sự tăng trưởng nhanh chóng tỷ lệ Nợ/GDP của khu vực tư nhân ở Trung Quốc, tăng 70 điểm phần trăm giữa năm 2008 và 2015.
“Sự ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc và nợ tăng vọt trong các tổ chức phi tài chính có ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng toàn cầu”, ông Gaspar nói.
Theo The Guardian
Chân Hồ tổng hợp
Chân Hồ tổng hợp
http://trithucvn.net/kinh-te/no-toan-cau-dat-ky-luc-152-nghin-ty-usd-qua-bom-no-cham.html
No comments:
Post a Comment