06 March 2012

Chùa Trùng Nguyên Tô Châu Thủy Thiên Phật Quốc Danh Thắng Miền Giang Nam

Chùa Trùng Nguyên Tô Châu Thủy Thiên Phật Quốc Danh Thắng Miền Giang Nam
Thích Tâm Mãn biên tập
(chuaminhthanh.com)Chùa Trùng Nguyên ban đầu có tên là Trùng Huyền Tự, khai sơn vào năm Thiên Giám thứ II (503) đời vua Lương Võ Đế, đồng thời với các chùa ở Tô Châu như chùa Hàn Sơn chùa Linh Nham, chùa Bảo Thánh. dưới sự phát tâm hộ trì Phật pháp của vua Lương Võ Đế, Phật Pháp hưng thạnh, chùa chiền được xây dựng khắp nơi, lúc này tại Trường Châu có vị quan tên là Lục Tăng Tán, nhân thấy mây lành hợp thành mấy lớp phủ kín trên mái nhà mình, nên phát tâm cúng dường nhà của mình để làm chùa thờ Phật, đặt tên là Trùng Vân Tự. Vua Lương Võ Đế nghe được việc này rất lấy làm vui bèn ban cho bảng hiệu "Đại Lương Quảng Đức Trùng Huyền Tự". Từ đó chùa được gọi là Trùng Huyền Tự.
Đến đời nhà Đường niên hiệu Hội Xương thứ 2 (842) Phật Giáo gặp phải pháp nạn diệt Phật của vua Đường Vũ Tông. Chùa Trùng Huyền bị phá hủy, sau khi pháp nạn đã qua, chư tăng tái kiến lại chùa ở trấn Duy Đình cách thành Tô Châu khoảng 30 dặm và đặt tên cho ngôi chùa mới xây dựng lại là Trùng Nguyên.
Đến thời Ngũ Đại vua nước Ngô Việt (908-932) đại trùng tu chùa Trùng Nguyên, trở thành một trong những ngôi chùa to lớn tráng lệ nhất trong thiên hạ, đến đời nhà Tống vào khoảng niên hiệu Tuyên Hòa (1119-1125) chùa được đổi tên thành Thừa Thiên, sau đó lại đổi thành chùa Năng Nhơn. Đến thời nhà Nguyên niên hiệu Thuận Thiên (1330-1333) chùa bị hỏa hoạn phá hủy hoàn toàn, đến niên hiệu Chí Thuận (1341-1368) được Hòa Thượng Duyệt Nam Sở xây dựng lại, toàn bộ kiến trúc cũng như quy mô của chùa được phục dựng lại như xưa. Đến đời vua Khang Hy nhà Thanh vì kỵ tên húy của vua là "Huyền" nên chùa được gọi là Trùng Nguyên cho đến ngày nay.
Đến thời hiện đại chùa bị phá hủy hoàn toàn vào thập niên 70 trong cuộc cách mạng văn hóa của Trung Quốc, đến năm 2003 được trùng tu xây dựng lại, phục hưng lại diện mạo của tổ đình, tái kiến đại tòng lâm phạm vũ. Chùa Trùng Nguyên được xây dựng lại trên diện tích 300 mẫu, điện đường to lớn trang nghiêm hùng vĩ, chùa nằm trên vùng đất bán đảo rất đẹp bên cạnh hồ Dương Trừng, giữa hồ lại có một hòn đảo nhỏ, trên đảo cất một tòa Quán Âm Các cùng với chùa Trùng Nguyên hợp thành Liên Hoa Phật Quốc, Quán Âm Đạo Tràng, vạn Phật trang nghiêm tạo nên một phong cách vô cùng độc đáo. Chùa Trùng Nguyên được trùng hưng thể hiện sự thành tựu đạo tràng của chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, sự cụ túc của Tam Bảo nói lên Phật Pháp hưng long, Tam Bảo trường tồn.
Vào chùa Trùng Nguyên trước tiên chúng ta phải đi qua con đường dài 200m được gọi là Lễ Phật Đại Đạo, hai bên đường có khắc các bức phù điêu bằng đá mô tả 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, trên đường lễ Phật còn có bảy hoa sen kỳ nguyện, trên sáu cây đầu phù điêu triển hiện 6 pháp, gọi là Lục Độ pháp môn tu hành Bồ Tát Đạo của Phật Giáo, cây trụ thứ bảy phù điêu cách lễ Phật đây là nét độc đáo của kiến trúc chùa Trùng Nguyên.
Cổng Tam Quan của chùa được đặt ở cuối đường Lễ Phật Đại Đạo, xây dựng theo kiến trúc cổng thành cổ, trên cổng treo tấm biển có đề ba chữ đại tự Trùng Nguyên Tự do Triệu Phát Sơ viết, hai bên có hai biển đề Giang Nam Đại Quan và Tiêu Lương Di Tích. Hai bên cổng chùa còn có hai thạch Kinh Tràng khắc chú Tôn Thắng và Chú Đại Bi. Thiên Vương Điện của chùa được tôn trí Đức Phật Di Lặc và bốn vị Thiên Vương sau lưng Phật Di Lặc là tượng Đức Hộ Pháp. Hai bên Điện Thiên Vương là hai lầu chuông trống, trên lầu trống treo một cái trống lớn có đường kính 2m19, xưng là trống to nhất Trung Quốc, lầu chung treo đại hồng chung nặng 12 tấn.
Phóng Sanh Trì nằm phía sau Điện Thiên Vương có ba cây cầu bắc ngang qua ao được đặt tên là cầu Năng Nhân, cầu Trí Huệ, cầu Phước Đức, qua khỏi ba cây cầu là đến quảng trường trước đại điện, hai bên có Điện Văn Thù và Điện Phổ Hiền, Đại Hùng Bảo Điện ở vị trí trung tâm, đây là kiến trúc chính của chùa Trùng Nguyên, được cất trên một đài làm bằng đá rất cao, toàn thể đại điện cao 36m, là một trong những đại điện lớn nhất Trung Quốc, trong đại điện tôn trí 3 tôn tượng Tam Thế Phật, vách sau lưng tượng Tam Thế là phù điêu Nam Hải Quán Âm, diễn tả tích Thiện Tài ĐồngTử Tam Thập Tam Tham, hai bên tôn trí tượng Thập Bát La Hán. Điện thờ Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Hư Không Tạng được làm hai bên của Đại Điện.
Cầu Phổ Tế đi qua các thờ Quán Âm Bồ Tát dài 19 nhịp, trước cầu Phổ Tế có cổng bi phường trên đề bốn chữ Thủy Thiên Phật Quốc, qua cầu đến Quán Âm Các ở đảo nhỏ giữa hồ, các có chiều cao là 46m, bên trong tôn trí tượng Bồ Tát Quán Âm bằng đồng thếp vàng cao 33m, nặng 80 tấn, đây là tượng Quán Âm được thờ trong các cao nhất Trung Quốc, quanh tượng Bồ Tát lớn còn tôn trí 9999 tượng Bồ Tát Quán Âm cũng làm bằng đồng cao hơn 3 tấc. Trong chùa còn có các Thiền phòng và Trai đường để thuận tiện cho khách hành hương đến tham quan lễ Phật có thể an trú, nhà lưu thông các pháp vật Phật Giáo cũng như Kinh sách. Chùa Trùng Nguyên là một công trình vĩ đại của Phật Giáo Trung Quốc, nơi thể hiện phong cách kiến trúc truyền thống của tự viện Trung Quốc đương đại, là một trong những danh thắng nổi tiếng bậc nhất của miền Giang Nam.
Ban Biên Tập kính giới thiệu hình ảnh ngôi danh lam cổ sát Trùng Nguyên Tự - Giang Nam - Trung Quốc:

     

No comments:

Post a Comment