'Người Trung Quốc Xấu Xí'
Huy Phương
“Người Trung Quốc Xấu Xí” (Xú Lậu Ðích Trung Quốc Nhân) là nhan đề một cuốn sách của nhà văn Bá Dương (Bo Yang), người Ðài Loan, do ông Nguyễn Hồi Thủ một người Việt sống ở Bắc Kinh và Ba Lê dịch và xuất bản ở Mỹ năm 1999.
Trong lời nói đầu, dịch giả đã phân bua rằng “tùy mạch văn, khi thì ông dùng chữ xấu xí, khi thì dùng chữ xấu xa,” nhưng theo tôi, ông đặt đề tựa cho cuốn sách là sai nghĩa nguyên của tác giả. Trong suốt cuốn sách, ông Bá Dương chỉ muốn nói đến cái tính tình và thứ văn hóa “xấu xa,” chứ không có đoạn nào nói đến hình thể và nhan sắc “xấu xí” của người Trung Hoa, vì trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều đại mỹ nhân nổi tiếng.
Trong tiếng Việt, tĩnh từ “xấu xa” nói đến tính cách, “xấu xí” để chỉ hình thức, như vậy một người “xấu xa” chưa hẳn đã là một người “xấu xí.” Trong truyện Kiều những tay như Mã Giám Sinh, Sở Khanh phải là những người có bề ngoài đẹp đẽ mới dễ lừa người. Chỉ tiếc là khi xuất bản cuốn sách này ở Mỹ, người họa sĩ trình bày bìa đã đưa hình ảnh hai mẹ con một người Trung Hoa thiểu số với bộ mặt lem luốc (xấu xí hay dơ bẩn) trái hẳn với nội dung cuốn sách là muốn nói đến tính cách xấu xa của người Tàu.
Báo chí vừa nhắc đến một chuyện xấu xa, vô văn hóa của người Trung Quốc. Một người khách du lịch Trung Quốc tên Yuwen đã cho phổ biến một bức ảnh chụp tại đền Luxor, Ai Cập, một bức phù điêu 3,500 năm tuổi đã bị viết nguệch ngoạc lên dòng chữ: “Ding Jinhao đã ở đây.” Ông Yuwen cho rằng đó là khoảnh khắc buồn nhất trong thời gian ông đang du lịch Ai Cập, và ông cảm thấy hết sức xấu hổ, khi nhận ra một người dân của nước ông, khi đến đây, đã vô ý thức viết bậy lên một di tích lịch sử của Ai Cập.
Bức phù điêu tại đền Luxor, Ai Cập, bị một thiếu niên Trung Quốc viết tên lên. (Hình: STR/AFP/Getty Images)Bức ảnh nhanh chóng lan truyền trên Internet, đã gây sự phẫn nộ trên mạng, và cuối cùng người ta tìm ra “Ding Jinhao” chính là một học sinh trung học, 15 tuổi từ Nam Kinh là thủ phạm đã viết lên dòng chữ này.
Nhiều người chỉ trích hành động của Ding làm cho Trung Quốc xấu hổ. Gia đình của học sinh này đã bày tỏ hối tiếc trên một tờ báo địa phương và “muốn nói lời xin lỗi với người dân Ai Cập cũng như những người Trung Quốc đã quan tâm đến trường hợp này. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo Nam Kinh, cha của Ding nói: “Con tôi đã phạm một lỗi lầm và trách nhiệm chính thuộc về chúng tôi là cha mẹ, đã không dạy dỗ và trông nom con cái không giám sát con cái tốt!”
Theo China Daily, một việc tương tự khác đã xẩy ra vào Tháng Ba, 2009, khi một người đàn ông đến từ tỉnh Giang Tô khắc tên của mình trong một hòn đá ở Yehliu Geopark của Ðài Loan, và cũng vào thời gian này, một người khách khác đã khắc tên mình trong một cái vạc tại Bảo tàng Cung điện của Bắc Kinh. Mặc dù người phạm tội đã đi rời khỏi nơi này, các bảo tàng đã đăng những bức ảnh về các di tích đã bị bôi bẩn để làm xấu mặt những du khách đã phạm lỗi.
Một người hướng dẫn du lịch Nhật đã mô tả chuyện một nhóm khách du lịch Trung Quốc đến thăm một hang động ở Thái Lan đã hút thuốc, ồn ào, la hét và gây phiền nhiễu du khách khác. Họ cũng đã xả rác bừa bãi, bỏ qua quy tắc ăn mặc trong các đền thờ Phật Giáo, hát hò và say rượu. Du khách Trung Quốc tham gia các nhóm toán du lịch, thường xuyên bị chỉ trích vì có những hành vi thô lỗ. Ở Nhật, người ta viết bảng nhắc nhở bằng tiếng Tàu, sau khi đi cầu nhớ giội nước. Ở Hong Kong, cha mẹ cho con đái ngay trên xe điện ngầm. Khách Trung Quốc đi từng đoàn thường kéo nhau ào ào khi cửa thang máy vùa mở mà không đợi người ở trong ra hết. Trước những hình ảnh “phản cảm” này, cơ quan du lịch Trung Quốc phải phổ biến cẩm nang ghi 8 điều cấm kỵ cho người Tàu khi du lịch ra nước ngoài, để khỏi mất thể diện.
Nhân vụ “Ding Jinhao,” Phó Thủ Tướng Trung Quốc Wang Yang lên án những gì ông gọi là “hành vi thiếu văn hóa” của một số khách du lịch đã mang lại những hình ảnh xấu xa cho đất nước ông. Ông kêu gọi mọi người cố gắng tạo “một hình ảnh tốt đẹp của du khách Trung Quốc” và ủng hộ cho Luật Du Lịch của quốc gia, để giải quyết các vấn đề như cạnh tranh bất chính, tăng giá hàng và nài ép khách mua.
Tấm biển kỳ thị nói “Không phục vụ người Nhật, Philippines, Việt Nam và chó”Ông cũng trích dẫn một số hành vi mà ông muốn người Trung Quốc giảm thiểu như nói chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng, vượt đèn đỏ khi qua đường, khạc nhổ... Ðây là bất lợi cho hình ảnh của đất nước Trung Quốc và để lại một ấn tượng xấu xa cho mọi người.Trong mấy năm gần đây, số khách du lịch từ Trung Quốc ra nước ngoài đã tăng rất nhanh.Năm 2000 chỉ có 10 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài. So với năm 2011 số du khách Trung Quốc du lịch năm ngoái đã tăng 40% với 83 triệu du khách chi ra 102 tỷ, vượt nước Ðức để trở thành nước chi tiêu lớn nhất trong ngành du lịch quốc tế. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2015 sẽ có 100 triệu người khách du lịch mang thông hành Trung Quốc.Quả thật ngày nay dân Trung Quốc giàu có hơn ngày xưa, nhưng như nhận xét của Nhật Báo Nhân Dân, cơ quan chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc: “Ngày nay, người dân ở Trung Quốc không còn thiếu thực phẩm và quần áo, và thậm chí cả trong các cửa hàng sang trọng ở nước ngoài, có những áp phích quảng cáo cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cũng cảm thấy như thể họ 'bàn tay đầy tiền nhưng tâm hồn thì rỗng tuếch.'” Ngay ở Mỹ, ở các địa điểm du lịch, chúng ta thường thấy dân du lịch Trung Quốc đi từng đoàn, tuy ăn mặc khá tươm tất, nhưng cười nói ồn ào, chen lấn, mất trật tự, chẳng kiêng dè, để ý gì đến người chung quanh. Nhiều quốc gia được chia sẻ mối lợi từ dân du lịch Trung Quốc, nhưng liệu có chịu đựng những hành vi “vô văn hóa” của những người này hay không? Những chuyện xảy ra hôm nay thực ra không có gì là mới mẻ, vì trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí” ông Bá Dương đã mô tả gần như hết cả rồi. Ðọc “Người Trung Quốc Xấu Xí” và nói đến những thói hư tật xấu của người Trung Quốc khi ra nước ngoài, chúng ta lại chạnh lòng nghĩ đến người Việt Nam hôm nay, một dân tộc cũng “na ná” như người Hoa, đang để lại nhiều hình ảnh không mấy tốt đẹp dưới mắt người ngoại quốc!
|
Năm năm trước, tôi sang Trung Quốc đọc được quyển sách này rất lấy làm thích thú. Ngay sau đó, từ Trung Quốc về đến Việt Nam, tôi đã chụp lại đưa cho một người bạn ở Hà Nội và động viên anh dịch ra tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng người Việt ở trong nước nếu được đọc nó, chắc cũng thích thú như tôi.
(NHT)
Bản thân tôi trước kia cứ mỗi lần đọc phải những quyển sách kiểu Người Việt cao quý, Người Việt đáng yêu là một lần không những không cảm thấy mình được dự phần vào cái cao quý, đáng yêu ấy một tý nào, mà càng thấy mình thấp hèn và đáng ghét làm sao, chỉ muốn viết ngay một quyển sách khác để nói về những tính hư, tật xấu của mình. Đang lúc lúng túng với nỗi bực dọc ấy thì may thay tôi gặp được quyển sách của Bá Dương.
Thế mà suốt năm năm qua tôi đã ôm cái hy vọng quyển sách dịch sẽ ra đời ở Việt Nam. Tại sao tôi lại có hy vọng như vậy ? Bởi vì, quyển sách này tuy được viết và xuất bản ban đầu ở Đài Loan, tuy có một cái nhìn độc đáo về văn hóa và các chế độ chính trị Trung Quốc, đặc biệt chỉ trích những phong trào Phản hữu, Cách mạng Văn hóa,v.v...và cả Mao Trạch Đông, nhưng sau đó nó lại được tái bản tại Trung Quốc lục địa (Bản tôi có là bản năm 1989 - 1990 do Nhà xuất bản Hoa Thành, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ấn hành).
Không những đã có nhiều sách khác viết về nó, gần đây còn có nguyên cả một quyển sách phỏng vấn Bá Dương về quyển sách này của ông. Các tác phẩm khác của Bá Dương cũng đã lục tục được in ra, và cuối cùng là hai tuyển tập tạp văn lớn của ông vừa được Nhà Xuất Bản Hữu Nghị tại Bắc Kinh phát hành.
Ngoài ra ở Âu, Mỹ, úc châu hiện nay, đối với những người sắp phải tiếp cận với Trung Quốc, cuốn sách của Bá Dương cũng được xếp vào trong danh sách những quyển cần đọc để có một cái nhìn tổng quát về văn hóa nước này.
Nước Trung Quốc cộng sản đã chấp nhận và hoan nghênh nó, người Âu Mỹ cũng thế, thì không có lý do gì người Việt Nam lại không thể được đọc nó, cho dù không phải để học hỏi, mà có thể chỉ vì hiếu kỳ, thông tin về một nước láng giềng.
Đến nay quyển sách dịch vẫn chưa ra đời ở Việt Nam. Và tôi vẫn chưa mất hy vọng, nhưng tôi hơi thấy tiếc cho cái thời gian tính của nó. Chẳng hạn, trong sách có những đoạn nói về tâm sự người Trung Quốc ở Hồng Kông khi mảnh đất này chưa "trở về tổ quốc" thì bây giờ Hồng Kông đã thuộc Trung Quốc lục địa rồi. Vì vậy, mặc dù chỉ võ vẽ tiếng Trung, lại không phải là người quen nghề dịch, tôi cũng đã mầy mò cố dịch nó ra, chắc chắn có nhiều sai sót, ở đây thành thật xin những người cao minh hơn chỉ bảo cho.
Trong thập niên trước một thiên niên kỷ mới này, người ta hay nói về nền văn minh hậu công nghiệp, hậu hiện đại, cách mạng và văn minh điện tử tin học, đợt sóng thứ ba,... Người Việt Nam vừa thoát ra được cuộc nồi da xáo thịt, còn phải mất hơn 20 năm để chì chiết lẫn nhau, bỗng một hôm tự thấy mình đang đứng bên lề đường phát triển; đói rách, nghèo nàn, lạc hậu, bối rối không biết đi về đâu. Vì cục diện thế giới đã thay đổi quá nhanh, các phe phái, chiêu bài mà mình vì nó mất bao xương máu và cả một thời son trẻ đã chỉ còn là những dấu vết mờ nhạt.
Trí thức Việt Nam, hoặc những người còn chút suy tư, nhìn sang các nước láng giềng, nhìn ra thế giới cũng hoang mang, lúng túng chẳng kém các cụ nhà Nho cách đây một thế kỷ khi tỉnh dậy vì những tiếng cà-nông của nền văn minh công nghiệp Tây phương bắn vào các cửa biển.
Trong thời kỳ gọi là "đổi mới" gần đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam hay những người tự cho mình có sứ mệnh lãnh đạo, lại phát động phong trào đi tìm kiểu mẫu phát triển, giống phong trào "canh tân" của các cụ đồ ngày xưa.
Nhưng cái khác với thời hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là ngoài các mô-đen Mỹ, Pháp, Nhật, ngày nay còn có một lô những mô-đen mới nữa, trong đó phải kể mấy con rồng, con cọp châu á ngay sát nách mà ở thời các cụ họ cũng chẳng khác gì mình.
Người có đầu óc một lần nữa phải thắc mắc tại sao bây giờ lại có sự khác biệt đó? Dân tộc Việt Nam cơ bản khác gì những dân tộc khác để ra nông nỗi này ? Không khỏi có những người, cũng như các cụ Phan ngày xưa, lại đi đào bới trong văn hóa, lịch sử Việt Nam, suy gẫm để tìm cho ra nhẽ. Nhưng số ấy không nhiều như ta tưởng, mà rồi cũng chẳng ai để ý đến những lời tâm huyết của họ, nếu không thì lịch sử và vận mệnh nước nhà cũng đã khác.
Mặc dù dưới áp lực của xu hướng toàn cầu hóa trên mọi địa hạt, tôi vẫn tin rằng mỗi một dân tộc phải có một phương thức, một giải pháp riêng đối với cái vận mệnh riêng của mình. Cho nên, trước khi đi cóp nhặt các mô-đen, cần nhất phải biết mình là cái thứ gì, và có thể làm được gì ngay trước mắt. Muốn biết được điều ấy không thể chỉ cứ tinh tướng, huyễn hoặc để tiếp tục tự kỷ ám thị hoặc lừa dối nhau, tiếp tục dùng cái lưỡi gỗ để nói những điều cường điệu, hãnh tiến.
Thường trong lịch sử Việt Nam vốn đã rất ít người thật tình có can đảm và trung thực để tìm hiểu, phê bình, những cái xấu, cái dở của dân tộc mình. Gần đây lại chỉ toàn thấy ca tụng đất nước rừng vàng biển bạc, con người cần cù, thông minh, cao cả, đẹp đẽ, kiên cường, anh hùng, trong sáng... Thậm chí lại có cả người lãnh đạo lấy tên giả viết sách để ca ngợi cá nhân mình, có cả nhà văn bịa tên một người nước ngoài để ca ngợi dân tộc mình. Nếu so sánh với những nước giàu mạnh nhất thế giới hiện nay thì lại là cả một chuyện ngược đời.
Mà cái chuyện tìm những khuyết tật, những cái dở của dân tộc mình thì không ai có thể làm hộ cho mình cả, không thể trông chờ vào người nước ngoài được - mặc dù quá trình lịch sử Việt Nam đã chứng minh ngay đến cả cái chữ viết cũng là do người nước ngoài làm cho (Tôi không cho rằng chữ Nôm là một thứ chữ viết đúng nghĩa của nó. Đó chỉ là một thứ chữ làm từ chữ Hán, chủ yếu dùng để ký âm tiếng Việt cho những người đã biết chữ Hán, quá phức tạp, thiếu quy phạm để được phổ cập và đứng vững).
Rồi khi người nước ngoài không lo cho nữa thì đến nay nó vẫn ở tình trạng của đầu thế kỷ, không có một canh tân, chuẩn hóa gì thêm, thậm chí một bàn phím máy tính để đánh cái thứ chữ viết đó cũng không hề có nổi ở thời đại xa lộ thông tin này. Trung Quốc đã là một mô-đen lớn của Việt Nam cho đến lúc người Pháp đô hộ chúng ta. Và nếu tôi không lầm thì hiện nay một lần nữa nó vẫn còn là một mô-đen phát triển cho một nước theo chế độ đảng chủ, lại thuộc về thế giới Hán hóa như Việt Nam.
Quyển sách này soi sáng thêm một bề mặt, có thể là mặt trái của văn hóa Trung Quốc, của dân tộc Trung Quốc. Theo tôi nghĩ nếu lấy cái bề mặt này đem tham chiếu để phản tỉnh, việc này không những chỉ ích lợi cho người Hoa mà còn cho tất cả các cộng đồng có liên quan ít nhiều đến văn hóa Trung Quốc.
Ông Bá Dương cơ bản chỉ là một nhà báo, một người viết tạp văn và chính ông cũng xác nhận điều này. Bởi vậy chúng ta không nên chờ đợi ở quyển sách những phân tích khoa học sâu sắc, những ý nghĩa triết học cao siêu thường thấy ở mấy trường phái Trung Quốc học tại các đại học Mỹ như Havard hoặc Standford. Phần chính của quyển sách lại gồm những bài diễn thuyết, mang lối hành văn của kẻ nói chuyện, nên có người phê bình là bố cục lỏng lẻo.
Cho dù có thật sự thiếu trình độ uyên bác và cái chặt chẽ của lý luận, quyển sách lại đem đến cho người đọc nhiều chất liệu cụ thể rút từ lịch sử và đời thường qua cái nhìn của một người Trung Quốc đã bị "nhào trộn như một viên sỏi trong cái máy trộn bê-tông" của lịch sử Trung Quốc hiện đại. Những thứ rất phổ cập và dễ hiểu này cộng với giọng văn châm biếm chua cay mà thành khẩn của Bá Dương đối với một người Việt bình thường dù ở trong hay ngoài nước sẽ là một cống hiến không nhỏ cho việc hiểu rõ hơn về Trung Quốc và qua đó nhìn lại mà đánh giá bản thân, dân tộc và văn hóa của mình trong giai đoạn hiện nay.
Phần cuối sách gồm một số bài của những người phê phán Bá Dương. Phần tranh luận đầy cảm tính này, dẫu không có thêm nhiều phát hiện gì mới, lại là một cái phông cần thiết làm nổi bật thêm tính độc đáo và cú sốc khá mạnh của sự kiện Bá Dương trên cộng đồng người Hoa tại hải ngoại.
Trong lúc dịch tôi vẫn chưa tìm được ở tiếng Việt từ nào đúng để diễn tả đồng thời hình dáng xấu và tính xấu của một người. Cho nên, tùy mạch văn, lúc tôi dùng chữ "xấu xí" , lúc dùng "xấu xa". Tiếng Trung và Hán Việt vốn có nhiều từ giống nhau, khiến người dịch có khuynh hướng hay sử dụng cái có sẵn, nên câu văn mang vẻ cũ kỹ, tối nghĩa. Vấn đề này khó hơn, nếu có một ấn bản khác tôi sẽ cố gắng thêm.
Nhân dịp này tôi cũng không thể không nói lên rằng, ngoài những khó khăn gặp phải của một người dùng một thứ tiếng nghèo nàn để dịch một thứ tiếng phong phú hơn, tôi đã gặp phải quá nhiều đau khổ trong việc chế bản và chuyển đổi (đối với quyển này cũng như những quyển trước, vì cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được một chương trình soạn thảo văn bản nào đạt tiêu chuẩn, thật đáng buồn! ), nếu không quyển sách này có thể đã ra đời trước đây sáu tháng hay một năm là ít.
Ngoài ra tôi cũng đã tự ý lược bỏ một số đoạn, không nhiều lắm, vì thấy có sự trùng lặp với các đoạn khác.
Tôi chỉ mong có nhiều người đọc được quyển sách dịch này, đó là một điều an ủi rất lớn cho cái thiện ý của tôi.
Paris - Bắc Kinh, 1966-1997
Nguyễn Hồi Thủ
Vài lời về Tác giả và bản quyền
Ông Bá Dương sinh năm 1920 ở Trung Quốc lục địa, chạy sang Đài Loan năm 1949 khi cộng sản thắng tại Trung Quốc. Là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo và sử gia. Ông đã bị bỏ tù 10 năm tại Lục Đảo (Đài Loan) vì dịch sang tiếng Trung Quốc một tranh hý họa Popeye (Pôp-pay) mà chính phủ Đài Loan cho là phạm thượng. Năm 1977, khi ra khỏi nhà tù, ông bắt đầu đi nói chuyện về hiện tượng "người Trung Quốc xấu xí". Những bài nói chuyện của ông và của những người tranh luận với ông được tập trung lại thành quyển sách mà các bạn đang cầm ở tay. Ông hiện sống ở Đài Loan với vợ là bà Dương Hương Hoa, một thi sĩ.
Vì chỉ có một bản in tại lục địa, chúng tôi không biết phải liên lạc làm sao để xin phép ông Bá Dương, nên nhân đây xin lỗi ông về việc đã mạn phép dịch sách của ông ra tiếng Việt trước khi được phép. Tôi nghĩ nếu ông biết được chắc cũng vui lòng tha thứ. Nếu có ai mách cho tôi biết ông ở đâu tôi sẽ trực tiếp xin lỗi ông một lần nữa và chính thức xin phép ông sau.
======================================
|
Chuyện kể rằng ngày xưa có một nước gọi là "Nước vại tương". ở đó mỗi ngày việc trọng đại nhất của mọi người là bàn luận xem họ có đúng là một nước hũ tương không. Náo nhiệt nhất ở đó lại là việc tranh chấp giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Kết quả đương nhiên là thầy thuốc bị thua. Đại khái tình hình như sau :
Bệnh nhân : - Tháng sau tôi kết hôn, sẽ làm lễ cưới ra trò. Rất vinh hạnh được đón tiếp ngài. Ngài sẽ là thượng khách. Thế kết quả khám nghiệm bệnh tình của tôi ra sao rồi ?
Thầy thuốc : - Xin lỗi, tôi sợ phải báo cho ông một tin không vui. Đây là kết quả bảng phân chất. Có khả năng ông bị mắc bệnh phổi đã đến thời kỳ thứ ba. Triệu chứng thời kỳ đầu là ho...
Bệnh nhân : - Quái thật. Bác sĩ bảo là ho. Thế vừa rồi bác sĩ cũng chẳng mới ho là gì. Tại sao đấy lại không phải là bệnh phổi ?
Thầy thuốc : - Cái ho của tôi và cái ho của ông không giống nhau đâu.
Bệnh nhân: - Tại sao lại không giống nhau? Ông có tiền, có học thức, tốt nghiệp cả đại học, từng uống cả nước sông A-ma-dôn, chắc phải thuộc loại người có dòng máu cao sang chứ gì? Có phải vậy không?
Thầy thuốc : - Nói thế chẳng phải, lại còn nửa đêm lên cơn sốt.
Bệnh nhân: - Chẳng nói thế thì nói thế nào cho vừa ý ông? Sốt nửa đêm? ! Cái quạt máy nhà tôi dùng đến nửa đêm sờ vào có thể bỏng tay như chơi. Thế nó cũng bị lao phổi đến thời kỳ thứ ba chắc ?
Thầy thuốc (gắng gượng giải thích) : - Thổ huyết cũng là một trong những triệu chứng của bệnh trạng.
Bệnh nhân : - Sát nách nhà tôi có một nha sĩ. Những người đến chữa răng đều bị ông ta làm cho khạc ra máu. Khó mà nói rằng họ đều bị lao phổi ở thời kỳ thứ ba cả.
Thầy thuốc : - Chuyện đó đương nhiên không phải như vậy rồi. Nhưng tổng kết tất cả lại. ..
Bệnh nhân: - Được rồi! Nói lại từ đầu. Cứ cho là lao phổi đến thời kỳ thứ bẩy, thứ tám đi thì đã sao? Có cần phải nhặng xị lên thế không? Người nước ngoài không phải vẫn mắc lao phổi như thường hay sao ? Tại sao anh cứ xoáy vào mỗi tôi ? Tháng tới tôi kết hôn, việc này ai cũng biết, sao anh không có thể nói vài câu khích lệ tôi? Tại sao anh lại đả kích tôi? Anh thù oán gì tôi? Anh muốn làm cho đời chúng tôi tan nát à ?
Thầy thuốc : - Anh hiểu lầm tôi rồi. Tôi chỉ muốn nói...
Bệnh nhân : - Tôi chẳng hiểu lầm anh tí nào. Tôi chỉ nhìn thoáng một cái là thấy cả tim gan anh. Anh mất mẹ sớm, không có được một gia đình êm ấm. Đến tuổi trung niên lại ngồi tù vì án cướp của, giết người, hiếp dâm, xem thường công bình, luật pháp, cừu hận chất chồng. Thấy người khác hạnh phúc là không chịu được, không muốn thấy nước nhà rạng rỡ, vẻ vang.
Thầy thuốc : - Chúng ta phải tùy việc mà xét.
Bệnh nhân : - Chính tôi đang tùy việc mà xét đây. Anh cứ thú thật cái bà già mà anh mang ơn ấy, khi giết bà ta anh hạ thủ như thế nào ?
Thầy thuốc (hơi hoảng sợ) : - Giấy chẩn bệnh đã căn cứ vào phân chất máu và nước bọt, có lẽ nào tôi bịa đặt ra được ?
Bệnh nhân : - Đương nhiên là anh không bịa đặt. Cũng như con dao của anh đã cắm vào ngực của bà kia. Anh sỉ nhục những người tiến bộ và yêu nước như vậy là đủ rồi. Anh một lòng thù hận đồng bào, bảo họ đều bị lao thời kỳ thứ ba, anh không tự thấy là vô liêm sỉ à ?
Thầy thuốc : - Ông anh ơi, chỉ vì thương ông, mong ông chóng bình phục tôi mới nói thẳng sự việc chứ thật tình không có ác ý.
Bệnh nhân (vừa cười nhạt vừa ho) : - Anh là một thằng đồ tể giết người không gớm tay. Tất cả nhân sĩ yêu nước có lương tâm sẽ liên kết lại để ngăn chặn ý đồ mưu sát tổ quốc của anh mà anh gọi là lòng yêu nước hòng che mắt thiên hạ.
Thầy thuốc : - Tất cả tôi chỉ căn cứ vào những bản phân tích, như phân tích nước bọt chẳng hạn của trường Thiên Trúc đã làm. ..
Bệnh nhân: - Đồ vọng ngoại! Đồ sùng bái và nịnh hót nước ngoài! Anh chính là cái mầm mống hạ lưu đã táng tận lòng tự trọng dân tộc. Đồ tồi ! Tôi nghiêm túc cảnh cáo anh ! Thế nào rồi anh cũng sẽ phải trả giá rất đắt về hành vi vọng ngoại này.
Thầy thuốc (mạnh dạn thêm) : - Thôi, không nói lung tung, không tránh né nữa. Cũng không nên dùng ngôn ngữ đấu tố để thay thế lý lẽ. Chuyện quá khứ và chủ đề của tôi thì có liên quan gì ? Cái chủ đề của chúng ta là "Anh có bị lao hay không ? "
Bệnh nhân : - Cứ xem mô hình cái "Người Trung Quốc xấu xí " của anh. Quả là già mồm ! Từ bối cảnh đời anh, ai cũng có thể nhìn thấy được cái dã tâm của anh độc ác dường nào. Tại sao không liên quan với nhau? Nước Trung Quốc rồi hỏng về tay những loại người như anh, làm cho người nước ngoài tin rằng người Trung Quốc chúng ta đều bị lao vào thời kỳ thứ ba hết thẩy. Vì thế, họ xem chúng ta không ra gì. Cái loại Hán gian số một, ăn táo rào sung này lẽ trời không thể dung được. Cẩm y vệ (ho xù xụ)! Lôi nó đi!
Đương nhiên không nhất định phải là cẩm y vệ (lính vua) lôi đi (Bá Dương tiên sinh cũng đã hơn một lần bị lôi đi rồi), mà bọn này không chỉ lôi đi, lại còn có thể hành hung, đánh đập, chưa kể chửi bới, thóa mạ bằng lời nói hoặc bằng bút.
Đài Bắc, ngày 23-07-1985.
========================================
No comments:
Post a Comment