25 December 2014

Tìm Hiểu Bát Nhã

Tìm Hiểu Bát Nhã

 
Ghi lại bài giảng 3 kỳ của thầy Hằng Trường trên chương trình Radio Khai Tâm, phát thanh trên Little Saigon Radio vào mỗi tối thứ Tư lúc 9 giờ tối.
 
 

Bát Nhã là gì?

 
Bát Nhã là phiên âm của chữ Phạn Prajna, có nghĩa là Trí Huệ Siêu Việt, đưa tới bờ bên kia, Trí Huệ của Vũ Trụ tuyệt đối, không phải do học hành mà có được.
Văn hóa Bát Nhã đã được nói đến rất nhiều... Đặc biệt là Tàu và Việt Nam chịu  ảnh hưởng lớn của văn hóa Bát Nhã. Câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” hay “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc” là triết lý Bát Nhã mà ta vẫn hằng quen nghe.
Ngày thầy lên 5 tuổi đã được mẹ cho học thuộc lòng Bát Nhã Tâm Kinh và thích đọc, biết rằng đây là bộ kinh quan trọng lắm.
Sau này lớn lên thì biết triết lý Bát Nhã tạo thành một nền văn hóa ăn sâu trong các nước có thực hành phật giáo đại thừa. Trong Phật giáo có bộ đại tạng kinh, là sưu tập tất cả những gì chư Phật, chư tổ sư đã nói và những  người luận giải viết ra. Đại tạng kinh gồm có Kinh, Luật và Luận, bằng chữ Tàu  thì gồm hơn 150 cuốn, thêm các thứ chữ khác như chữ Nhật, ... thì không biết bao nhiêu mà kể, đầy cả tủ sách.
Và 2/3 Đại Tạng Kinh là nói về triết lý Bát Nhã. Thí dụ có 1000 cuốn kinh thì có hơn 700 cuốn nói về BN. Trong mấy trăm cuốn này thì Í là bộ kinh  Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa tức bộ kinh Đại Bát Nhã, có 600 cuốn.
 
Ngài Huyền Trang và ngài Long Thọ
 
Người Trung Hoa có một bậc thánh nhân độc đáo, là người Trung Hoa thứ thiệt, niềm hãnh diện lớn cho Phật giáo TH. Đó là ngài Huyền Trang, một sản phẩm của văn hóa Trung Hoa nhà Đường. Ngài đi mất 18 năm qua Ấn Độ thỉnh kinh, đem về những bộ kinh chữ Phạn và dịch ra tiếng Tàu. Bộ kinh quan trọng nhất là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Bộ này rất lớn và cần không biết bao nhiêu con ngựa để kéo, chở bộ kinh này về. Ngài cặm cụi dịch kinh trong hơn mười mấy năm. Dịch xong không lâu thì ngài tịch. Đây là công trình lớn nhất của ngài Huyền Trang để lại cho chúng sanh. Cũng có nhiều vị thánh tăng giúp cho sự phiên dịch, tạo nên cả một nền văn học. Và chữ Bát Nhã càng ngày càng được dùng rộng rãi trong dân gian, được hiểu là trí huệ siêu việt.
 
Nếu xem lại các kinh điển thì khoảng 700 năm sau khi đức Phật tạ thế, có một vị thánh tăng cũng rất quan trọng là ngài Long Thọ. Ngài là người đầu tiên đem tới sự suy nghĩ về Không tánh. Chữ  Không đó diễn tả chân tánh của con người, đạt được cái chân tánh đó thì gọi là trí huệ BN.
Ngài Long Thọ có biên ra một bộ sách là Đại Trí Độ Luận, là một bộ luận về trí huệ Bát Nhã, cũng rất dày.
 
Vì vậy khi nói tới văn học Bát Nhã thì phải nói tới 2 vị này. Từ văn học Bát Nhã đã nảy ra nhiều sáng tác về một Trí Huệ siêu việt , cái độc đáo nhất của dòng Phật giáo vì trong bối cảnh lịch sử thời đó không có văn học nào phát triển về triết lý của trí huệ siêu việt cả.
 
Hai dòng Bát Nhã
 
Cùng lúc đức Phật dạy về trí huệ siêu việt này thì ngài phát triển 1 dòng khác không phải là văn học, không có tên như  dòng văn học. Dòng này bắt đầu bằng chuyện đức Phật cầm cành hoa lên và mỉm cười. 1 vị sư già là ngài Ma Ha Ca Diếp khi thấy đức Phật cầm cành hoa lên thì ngài cũng mỉm cười. Ngài cười nhưng không nói gì hết, cũng như đức Phật. Nụ cười đó là sự tiếp thông giữa tâm hồn hai vị, một đã giác ngộ và một có trí huệ cực cao. Sự tiếp thông này đưa tới 1 dòng thực hành do những tổ sư tiếp nối theo. Tới người thứ 28 thì người này quyết định đi qua phía Đông tức nước Tàu để dạy cho người Tàu, tiếp nối một dòng tâm thức, không phải là dòng văn học, bắt đầu khi đức Phật  giác ngộ và truyền lại cho ông Ma Ha Ca Diếp. Vị tổ sư thứ 28 này chính là ông Bồ Đề Đạt Ma. Ông không truyền lại chi hết nhưng đem tâm tiếp thông với người có nhân duyên và hiểu được, khi hiểu được thì có được trí huệ siêu việt. Tức ông truyền trực tiếp trí huệ siêu việt này cho người khác, chỉ 1 người truyền cho một người thôi, cũng như đức Phật truyền cho ngài MHCD rồi truyền cho đến ngài Bồ Đề Đạt Ma. Sau ngài BĐĐM là chỉ truyền trong Trung quốc. Truyền đến người thứ 6 thì rất đặc biệt, người này không phải là người xuất gia mà chỉ là một thường dân không học hành nhiều, không biết chữ nhưng có linh tánh cực cao. Một ngày nọ, người này đang đi gánh củi  thì nghe được 2, 3 câu trong kinh Kim Cang thôi mà phát sinh ra một sự tiếp thông với trí huệ mà đức Phật hồi xưa đã truyền. Mình thường biết đến tên ngài này là ngài Huệ Năng.
Do đó khi nói tới trí huệ Bát Nhã, ta phải nói tới 2 dòng: dòng văn học và dòng truyền thừa, tiếp thông cái tâm Bát Nhã. Dòng tiếp thông trí huệ Bát Nhã này được đặt tên là dòng thiền. Hai dòng này cùng chạy nhưng không dính nhau mà tương ưng cho nhau. Một dòng cho thấy trí huệ siêu việt này không thể diễn tả được bằng ngôn từ, chữ nghĩa mà chỉ sống rồi truyền lại tâm thức của sự sống cho nhau. Dòng khác thì hoàn toàn dùng văn tự để diễn đạt. Những văn tự này nhiều đến nỗi chiếm hết 2/3 số kinh điển Phật giáo.
 
Do đó, một người đại biểu cho sự tiếp thông giác ngộ cực cao là ngài Huệ Năng và một người đại biểu cho một trí thức cực cao để diễn bày được trí huệ  không thể diễn bày là ngài Huyền Trang. Ông bị người đạo giáo lồng vô truyện Tây Du Ký. Truyện này cũng rất hay và có đạo lý thâm sâu, nói về cách thực hành hay luyện đan, thực ra là làm tâm thức từ âm Kim biến ra dương Kim. Âm tức là âm tánh hay tánh xấu, còn Kim là giai đoạn tâm thức mình hội tụ, tinh lọc lại, khai mở ra ánh sáng của kim loại trong tâm thức mình. Thường mình gọi đây là giai đoạn alchemy, biến tâm ô trược  thành tâm thanh tịnh.
Tây Du Ký có ý nghĩa rất Bát Nhã, là một bản đồ để làm sao thực hành trí huệ Bát Nhã. Nhưng thường thường mình chỉ nghĩ rằng đây là cuốn sách bôi nhọ Phật giáo hoặc nghĩ đây là cuốn sách đọc chơi cho vui chứ không nghĩ rằng đây là phương thức thực hành nối liền 2 chuyện văn học BN và thực hành BN.
Bộ TDK rất quan trọng nhưng bị coi thường, nhất là tác giả không phải người Phật giáo mà là người đạo giáo, thực hành tu luyện để chuyển hóa tâm thức.
 

Làm sao tu Bát Nhã?

 
Trở lại với văn học Bát Nhã, mình đặt câu hỏi là Trí Huệ siêu việt đó cao quá, rộng lớn quá, có tới 600 cuốn sách. Như vậy thì mình là người đời sau làm sao mà tu, ở chỗ nào mà tu?
Thâm hiểu Bát Nhã thì chỉ là thâm hiểu mà thôi còn chứng ngộ Bát Nhã thì phải thật là thông suốt. Thầy không nói là có được sự thâm hiểu mà chỉ nghiên cứu đủ thôi và thầy sẽ nói tới Bát Nhã ở chỗ  thấp nhất, kinh điển gọi là Bát Nhã hiện hình trong thế gian hay thế gian Bát Nhã. Đây không phải là “xuất thế gian Bát Nhã”. Trong Đại Trí Độ Luận có nói Bát Nhã có thể thực hành được ở tất cả mọi nơi mọi thời chứ nếu chỉ thực hiện được lúc giác ngộ thôi thì chắc có rất ít người sử dụng được.
Bát Nhã phải là chuyện mà người nào cũng sử dụng được, ở tầng lớp nào cũng có thể phát triển được, bất kỳ mọi nơi mình đều hiển hiện được, cũng như Phật tánh vậy.
Nếu mình nói phải học lâu năm lâu tháng mới đạt được trí huệ Bát Nhã thì đó là trở ngại lớn nhất. Mình cứ nghĩ rằng Bát Nhã là cái gì siêu việt, cao sâu lắm. Té ra không phải.
Chữ Bát Nhã này có một chữ đi đôi là “ba la mật” tức phiên âm từ chữ paramita, nghĩa là đi qua bờ bên kia. Hình dung từ bờ bên này mình có con thuyền chở qua tới bờ bên kia. Con thuyền đi cũng tròng trành lắm, sóng đánh dễ sợ lắm. Nhưng khi tới bờ bên kia thì các bác nghĩ rằng mình có nên ngừng lại không? Không! Tại sao? Mình ở chỗ này tới bên kia, nếu ngưng lại thì cái bờ bên kia bây giờ nó lại là một cái bờ khác. Nên tới bờ bên kia rồi thì mình lại phải tiếp tục đi nữa, tiếp tục lái con thuyền không ngừng. Nên đức Phật có nói đến 1 ví dụ rất hay trong kinh Hoa Nghiêm trong phẩm Thập Hạnh, ở hạnh thứ bảy:
Bồ Tát là người đem con thuyền đưa tới bờ Niết Bàn xong rồi ngài lái con thuyền trở lại đem một số người khác qua bờ bên kia.
Khi ngài đem mình từ bờ khổ não bên này tới bờ giác ngộ bên kia thì ngài cũng có thể đem những người giác ngộ trở về bên này giúp họ có cơ hội cứu độ người ở bờ bên này, đem họ qua bên kia. Cứ đưa qua đưa về như vậy không ngừng. Sự không hề chấm dứt, không hề đình trệ làm cho mình siêu việt. Chữ siêu việt đó có nghĩa là không đình trệ, là vượt thoátVượt thoát cảnh giới ngừng đọng, đứng dừng lại, và chết. Tưởng tượng trái đất chỉ ngừng lại 2 giây thôi thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Trái đất sẽ bay ra khỏi thái dương hệ và mình sẽ chết. Cho nên không có cái gì ngừng đứng lại, ngay như thiền cũng không phải là trạng thái dừng lại. Thiền là trở về với sự im lặng, thực sự là trở về trạng thái quang minh. Quang minh không bao giờ dừng lại, hào quang ánh sáng luôn luôn tiếp tục tuôn ra. Ngừng lại là cái chết. Mình không ngừng càng ngày càng trở nên vi tế, mức năng lượng mình ngày càng vi tế chứ không phải chết. Người vượt thoát là không ngừng trở nên vi tế, tiến hóa. Đó là trí huệ Bát Nhã. Nên ngừng lại là không được. Có người nói “Thưa thầy con tu có trí huệ lắm, thầy coi mặt con ra sao, có hào quang nhiều không?” Thực sự thì cô này cũng đã tới mức khá thiệt  nhưng giây phút mà cô ngừng lại ở chỗ cô thấy cô tiến bộ thì đó không phải là trí huệ Bát Nhã nữa. Trí huệ Bát Nhã không phải là một trạng thái đạt tới mà là một sự chuyển động không ngừng, tâm thức ngày càng vượt qua các sự đình trệ. Khi cuộc sống của mình không ngừng vượt thoát, sự không ngừng vượt thoát đó chính là bản chất Bát Nhã.
Nhiều khi mình rất ngây thơ, nghĩ lớn lên sẽ làm cái này cái kia... nhưng những chuyện đó gần như không bao giờ có cả. Có người nói 55 tuổi sẽ về hưu không làm việc nữa nhưng tới 55 tuổi mình lại làm việc khác, làm tiếp kiểu khác, không ngừng lại được. Vì cuộc đời không ngừng biến đổi, không ngừng tiến hóa. 
 
Đầu tiên cả thì Bát Nhã không phải là một trạng thái, một tâm thức mà nó cũng chính là cái tâm thức không ngừng vượt thoát, không ngừng chuyển động. Và cái tri nhận sự chuyển động đó là trí huệ. Mình thường không tri nhận sự chuyển động đó và mình không nhận ra là vũ trụ đang thay đổi.  Như mình có một đứa con thôi, mình thương nó quá lúc nó 15 tuổi. 20 năm sau nó thành 35 tuổi  mình cũng vẫn coi nó như đứa nhỏ thì tức là mình không nhận diện cuộc sống thay đổi. Sự suy nghĩ của mình vẫn cũ như 20 năm trước tức là mình không có trí huệ Bát Nhã, mình không vượt thoát  mà mình kẹt vào sự suy nghĩ của 20 năm trước. Nhiều khi mình lại kẹt vào sự suy nghĩ của 10 phút trước thôi. Thí dụ có người nói “sao cô dốt quá vậy” thì mình giận người này vô cùng, đến 3 năm sau vẫn còn giận dù 10 phút sau người này đã hối hận, nói với mình “thưa chị, em lỡ lời, em xin lỗi chị”. Mình không nghe lời này vì mình chìm trong sự giận dữ.Do đó trí huệ Bát Nhã là khả năng vượt thoát ra khỏi những trạng thái, tâm thức, tầng suy nghĩ, không ngừng vượt thoát. Khi mình vượt thoát thì  mình nhận diện được cái trạng thái này dễ dàng hơn và do nhận diện được, cuộc sống mình ngày càng đẹp hơn và cái đẹp là cái biểu hiệu quan trọng nhất của BN.
 
Kỳ 2
 
Nguyên ủy của chữ Bát Nhã.
 
Đức Phật giảng kinh trong 49 năm bắt đầu từ lúc ngài giác ngộ. Ngài tu luyện trong 6 năm, bắt đầu là học đạo với nhiều vị khác, sau đó là ngồi dưới gốc cây bồ đề tham thiền 49 ngày thì giác ngộ. Truyền thuyết nói ngài ngồi 49 ngày không động đậy, tới hừng đông ngày thứ 49, ánh sáng của sao mai hiện lên thì ngài mở mắt. Thấy ánh sáng của sao mai, trong lòng ngài bừng lên sự giác ngộ tối cao. Sau đó ngài quan sát để tìm cách chia sẻ vì đó là cái quan trọng nhất của người giác ngộ. Nhưng vì cảnh giới của ngài quá cao nên ngài chia sẻ với những vị đại bồ tát, những người có trí huệ cực cao. Những người này không cần lời nói, chỉ cần truyền từ tâm tới tâm.
 
Thời kỳ Hoa Nghiêm
 
Đức Phật sau khi giác ngộ đã bỏ 21 ngày trong sự im lặng, lên các tầng trời để nói cho các bồ tát về trí huệ tột bực, con đường tu từ người phàm phu thành Phật. Ngài giãi bày hết con đường đã đi qua và cho thấy rõ ràng sự tiến hóa của tâm thức từng bước, từ phàm phu đến Phật. Tức là ngài thuật lại con đường tu của ngài bằng thiền định với các vị bồ tát,  làm cho họ thấy nấc thang đi rất rõ ràng, ngài hiển bày cảnh giới của pháp giới, chân như, bất nhị, cảnh giới siêu việt ra khỏi tất cả các tôn giáo thời đó. Thật ra thì ngài phóng hào quang nhiều hơn là ngài nói, trong hào quang đó tất cả những cảnh giới mà ngài cần diễn bày đều hiện ra hết. Liên tục trong 21 ngày ngài phóng quang từ nhiều chỗ, ngón chân, bàn chân, đầu gối, bụng, ngực, miệng, giữa lông mày và trên đỉnh đầu. Ngài dùng hào quang để giảng kinh. Triết lý quan trọng trong 21 ngày này làm cho những người nghe đều khai mở tâm họ. Sự khai mở này giống như đóa hoa mở ra.
 
Ngài không giảng một loại chân lý, ngài giảng chân lý rất nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tầng tâm thức, cho nhiều lớp tiến hóa. Nên sự khai mở đó trùng trùng điệp điệp, rất nhiều những đóa hoa xâu kết với nhau. Những tầng tâm thức đó rất rõ ràng, đi từng tầng một, thí dụ như  bồ tát thập tín, rồi thập hạnh, thập trụ, thập hồi hướng, thập địa... Sự khai mở có lớp lang trước sau giống như một tràng hoa rất trang nghiêm nối kết với nhau. Do đó thời sau khi đức Phật giác ngộ rồi và giảng những bài pháp tối cao cho những vị bồ tát là những gì hay nhất, làm cho tâm hồn của mình khai mở trùng trùng điệp điệp, thời đại đó đặt tên là thời kỳ Hoa Nghiêm. Hoa là biểu hiện của sự khai mở. Nghiêm là sự trang nghiêm. Thời kỳ ngài giảng  chỉ có 21 ngày nhưng giáo pháp của ngài thì trùng trùng điệp điệp giống như những đóa hoa trang nghiêm làm cho vũ trụ khai mở. Vũ trụ đó là cái tâm của mình.
 
Thời kỳ Lộc Uyển
 
Sau thời kỳ Hoa Nghiêm, ngài ra khỏi thiền định, mở mắt, ra giảng cho những người phàm phu như chúng ta nghe. Ngài khám phá ra chúng sanh vẫn còn quá xa cảnh giới ngài đã chứng ngộ và những bài pháp mà ngài đã giảng cho các vị bồ tát. Ngài nhận ra thực trạng của chúng sanh là người nào cũng khổ, cũng có những chuyện quằn quại, buồn bực tức tối, quá nhiều phiền não phải đối diện hằng ngày, từ chuyện kiếm ăn, việc làm, làm sao sống, những chuyện bình thường nhất. Ngài bắt đầu suy nghĩ tìm một phương thức thích hợp cho nhu cầu của chúng sanh. Ngài nghĩ  rằng đi dạy đạo thì nên dạy những người có đồng chí hướng với mình trước. Ngài tìm tới 5 người trước đã từng tu với ngài, đứng đầu là Kiều Trần Như. Họ đã từng tu sát cánh với ngài trong 6 năm nhưng khi ngài quyết định tìm con đường trung đạo thì 5 vị này không tin tưởng và bỏ ngài đi. Họ cho rằng tu hành cao nhất là phải ép xác mà ngài không chịu ép xác. Đức Phật trả lời là quá cực đoan thì sẽ không tìm được chân lý và ngài chấp nhận cúng dường sữa dê của 1 người phụ nữ  mà 5 người kia cho rằng là sự hưởng thụ. Đức  Phật cho rằng đó con đường trung đạo, một nhu cầu thực tế. Việc ngài đi tìm những người đó nói lên 1 tinh thần rất cao là mình không bao giờ bỏ những người đồng đạo với mình cả. Mình thương những người đồng đạo của mình và không coi họ là những người xa lạ. Dù họ phê bình, ruồng rẫy mình thì mình vẫn thương vì tình đạo quan trọng lắm, tình đạo thì không thấy lỗi lầm của nhau. Ở đây mình có được một bài học quan trọng là bạn đạo đi chùa với nhau thì không nên nói xấu nhau. Bạn thiền với nhau nếu thấy lỗi lầm của bạn thì nên coi như lỗi lầm của mình và sẵn sàng nói những lời an ủi vỗ về thay vì nói xấu lẫn nhau.
Bài học của đức Phật là bài học quá hay. Khi ngài bước chân về lại cuộc đời thường từ cảnh giới Hoa Nghiêm thì ngài lập tức đi tìm những người bạn đồng hành, làm cho họ không còn hiểu lầm nữa và chia sẻ điều hay nhất của mình với họ. Đó là điều mình cần nên học.
 
Ngài đi tới Lộc Uyển. Gọi là Lộc Uyển (Vườn Nai) là vì chỗ đó có nhiều nai, do không bị săn bắn. Ngài tới hóa đạo 5 người bạn của mình ở Lộc Uyển nên thời kỳ sau Hoa Nghiêm là thời Lộc Uyển. Ngài dạy điều gì? Ngài dạy tất cả mọi sự đều có cái hình tướng rất quan trọng gọi là khổ và chân lý là tất cả mọi chuyện đều vô thường không tồn tại vì thời gian thay đổi, biến hoài và có sinh trụ dị diệt  nghĩa là sanh ra biến cải ngừng lại và chết đi, có sanh lão bệnh tử. Ngài gói ghém triết lý đó trong 4 chữ khổ tập diệt đạo. Ngài không dạy những chuyện cao siêu mà dạy những gì thực tế  nhất vì cái khổ nhiều quá. Ngài nói như vầy: đây là cái khổ và nguyên nhân của khổ là tâm tham dục,  làm sao để ra khỏi khổ, có đường đi ra khỏi khổ và con đường này dẫn tới Niết Bàn. Nên người ta gọi là 4 cái chân lý: Tứ Diệu Đế. Ngài tiếp tục đi giảng mất 12 năm, nói ra sự thật. Nhiều khi mình khổ mà không biết khổ, mình chạy trốn cái khổ bằng cách đi tìm niềm vui, mình không đối diện cái khổ để thấy gốc cái khổ nằm trong tâm của mình, là cái dục vọng, tham cầu, lòng tham không đáy. Mình không ngờ hạnh phúc nằm ngay trong tâm của mình. Do đó ngài mất 12 năm để dạy cho người ta bên ngoài cái vũ trụ là vô thường mà cảm nhận của cảnh giới bên ngoài là sự không bao giờ được thỏa mãn. Sự  không thỏa mãn tức là khổ. Sau khi ngài giảng cái chân lý rõ ràng và sâu sắc đó thì không biết bao nhiêu là người theo ngài học và càng học thì người ta càng bớt dục vọng, càng lúc càng trở nên thanh tịnh hơn. Những bộ kinh thời này đáng kể nhất là Kinh A Hàm, Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm... nên thời Lộc Uyển còn gọi là thời A Hàm, sau này đặt tên là thời kỳ Tiểu Thừa vì cho rằng những chuyện Phật nói ra thời này có vẻ phương tiện nhưng thực ra đó là điều cần thiết vô cùng để cho mình thấy rằng nhiều khi mình nhìn trật chỗ, không thấy được cái đời khổ, không chịu nhìn vào cái dục vọng của bản tâm. Thời Lộc Uyển kéo dài 22 năm.
 
Sau khi nghe ngài giảng, nhiều người nhận ra được nguyên nhân của khổ và họ chấm dứt được cái khổ cho chính mình, họ không còn dục vọng nữa, hoàn toàn thanh tịnh. Thanh tịnh như vậy, họ được những cảnh giới mà sau này đặt tên là những quả vị đầu tiên cả, là tu đà hoàn.
Sau đó là tư đà hoàn, a na hàm và cuối cùng là a la hán. Đó là những giai đoạn của sự chứng ngộ, cho biết sự thanh lọc của tâm có từng giai đoạn một và càng chứng, càng đi sâu thì con người mình càng ra khỏi. A la hán là người không còn những dục vọng cá nhân nữa, không còn  ích kỷ nội tại.
Vũ trụ quan thời đó của người theo Lộc Uyển là mọi sự đều có thiệt cả và mọi sự đều là khổ, đều là vô thường.
 
Thời kỳ Phương Đẳng
 
Những tham muốn của con người có thể tóm gọn trong những chữ: Tài danh sắc thực thùy. Tài là tiền bạc, danh là danh tiếng, sắc là sắc đẹp, thực là đồ ăn làm cho mình khoái cái miệng, thùy là sự ngủ nghỉ. Không bị những thứ đó trói buộc thì con người mình sẽ bình an lắm. Số người theo Phật đạt được sự an lạc nhẹ nhàng đó nhiều vô cùng. Họ đặt câu hỏi với Phật: Con đã nhận ra được cái khổ rồi, con không còn những tham muốn và lúc nào cũng có niềm vui. Vậy thì bây giờ con làm cái gì?
Đức Phật nhìn những người đã  thoát được chuyện khổ, ngài nói: Con đã hết khổ rồi thì con nên đem niềm vui đến cho người khác.
Đó là động năng căn bản của sự chuyển tiếp từ thời Lộc Uyển ra thời kế tiếp, một thời đại mới trong sự giáo hóa của Phật.
Sau khi bớt khổ rồi thì bây giờ mình đem niềm vui cho người khác. Lúc đó làm gì có những hội thiện nguyện hay Hội Từ Bi Phụng Sự, lúc đó mỗi người chỉ tự động đi giúp người khác. Chuyện đi giúp người khác đó tạo nên một sự thay đổi vô cùng. Có những vị xuất gia từ những giai cấp thấp hèn nhất nhưng bây giờ có đời sống thanh tịnh trí huệ và được rất nhiều người giai cấp cao quỳ xuống xin được chỉ bảo cho những triết lý. Cái đó làm thay đổi giai tầng xã hội, đó là cuộc cách mạng do từ tôn giáo tạo ra, làm con người có sự bình đẳng trong tôn giáo, chuyện từ trước chưa hề có.
 
Những người tới học đạo càng ngày càng được an lạc rồi tự động đem sự an lạc đó tới những người khác, càng lúc càng nhiều, không những người xuất gia mà người tại gia cũng làm. Thời đó có một người mà đức Phật đề cập tới là Duy Ma Cật, là một đệ tử tại gia nhưng có khả năng đem lại sự an lạc cho những người khác y hệt như người xuất gia. Thời đại này người ta mở tâm lượng ra rộng lớn lắm. Người ta không nghĩ làm sao cho hết khổ mà nghĩ làm sao cho người khác có được niềm vui. Sự mở rộng tâm lượng đó được đặt tên là Phương Đẳng. Phương là mở rộng. Đẳng là sự bình đẳng. Mở rộng tâm lượng bình đẳng không còn có giai cấp, không còn cao thấp nữa.
Đó là một cuộc cách mạng lớn trong sự giáo hóa của Phật và trong hàng ngũ tín đồ tu hành vì con người bây giờ bắt đầu tu phương pháp gọi là “từ bi hỉ xả” tức làm sao đem lại niềm vui cho người khác, làm sao dấn thân, làm sao cho có sự tích cực trong cuộc sống cũng như sự tu luyện. Và đức Phật mất đến 8 năm mới nói hết được cái lý do dẫn dắt người ta từ chỗ thấy mọi sự là thật, là khổ, là vô thường  tới chỗ làm cho người ta phát tâm từ bi hỉ xả.
Như vậy thì vũ trụ quan của con người vào thời Phương Đẳng là gì? Lúc đó họ thấy tất cả mọi chuyện đều là giả, có đó rồi mất đi. Trong cái giả đó có khổ có vui và mình phải sử dụng cái giả đó để làm sao phát huy tâm từ bi hỉ xả để cho mình có một cuộc sống rộng rãi dễ thương.
Mình vừa nói qua 3 thời kỳ Hoa Nghiêm, Lộc Uyển và Phương Đẳng.
 
Kỳ 3
 
Thời Phật mới giác ngộ và ra giảng  là thời Hoa Nghiêm dài 21 ngày. Sau đó là thời Lộc Uyển dài 12 năm, là thời đức Phật nói mọi sự đều có thiệt  và mọi sự là vô thường, là khổ, không phải là chuyện nên chấp trước vào. Ngài làm cho nhiều người thấy cái khổ, cái vô thường và buông bỏ. Những người này hiểu một cách sâu sắc rằng mọi chuyện đều do cái tâm tham vọng mà ra cả. Đức Phật dạy pháp quan trọng nhất là Tứ Diệu Đế và chỉ ra con đường Bát Chánh Đạo để tu theo, làm cho tâm mình cũng như sự suy nghĩ và hành động của mình đi vào con đường giải thoát. Ngài cũng nói 37 phẩm trợ đạo tức phương pháp giúp mình tu hành và buông bỏ dễ dàng hơn. Sau khi nhận được cái khổ và buông bỏ, nhiều người nhận ra cuộc sống còn có những niềm vui khác nữa, sự đi giúp người khác là một niềm vui. Đức Phật dạy nên mở rộng cõi lòng mình, thấy mọi sự là có thật, là  khổ, là vô thường nhưng cũng dạy thêm một triết lý là mọi sự là giả, huyễn thôi, có đó rồi mất, nên có khổ có vui. Nên tu tập lòng từ bi, tu tập sự vui vẻ (hỉ) và buông bỏ những chấp trước, những thói tạo cho mình một cảnh giới quá nhỏ.
 
Trong thời đại Phương Đẳng kéo dài 8 năm, có một sự tiến hóa vô cùng. Nếu nghe bài pháp thời Lộc Uyển và thời Phương Đẳng sẽ thấy hai bài đó khác nhau một trời một vực. Một cái nhận ra mọi sự là thật, là khổ nhưng  cái kia nói mọi sự là giả huyễn, nên  tu lòng từ bi hỉ xả. Từ bi hỉ xả là cái thiệt, mình không cần nói cái giả, mình chỉ tu cái thiệt thôi và cái thiệt đó nó siêu việt. Sự tiến bộ đó rất lớn mà nhiều người không thể chấp nhận được. Họ nói không, mọi sự rõ ràng là có thiệt, có bàn có ghế có người có vật, sao mà giả được, khi họ chết mới là giả chứ. Đức Phật nói: không, ngay lúc nó chưa biến mất nó cũng là giả. Cái thiệt và không thể bị phá hoại là lòng từ bi hỉ xả. Thời đó đức Phật đã mở tấm lòng của rất nhiều người, họ thấy được cái giả tướng.
 
Thời kỳ Bát Nhã
 
Đức Phật lúc đó mới nói: có một sự thật là chơn tánh của mỗi người. Trong chơn tánh này không có chi tồn tại, mọi thứ là giả. Nhưng thấy mọi sự là giả chưa đủ, phải nhận ra cái chơn tánh bất biến mới được. Làm sao nhận ra cái chơn tánh này? Phải phát triển một trí huệ mà mình đặt tên là Bát Nhã để phân biệt với trí thông minh hay khôn ngoan. Khi mình nhận ra chơn tánh thì không nói cái việc này là thiệt việc kia là giả, cũng không nói việc này là có việc kia là không. Mình nhận ra chơn tánh là được rồi. Những cái về sau sẽ có cái giải quyết của nó. Đầu tiên là mình phải trực nhận cái chơn tánh đi.
 
Sự hiểu biết này đưa tới một thời kỳ quan trọng của Phật giáo là thời kỳ Bát Nhã hay thời kỳ phát triển cái trí huệ siêu việt, tức thời kỳ số 4. Thời kỳ này mất 22 năm. Đức Phật cần rất nhiều thời gian để giải thích, làm cho chúng sanh khỏi bị mê mờ vì mâu thuẫn. Vì sao? Vì nó quá cao.
Ví dụ mình nhìn cái bàn mình nói cái bàn là có thiệt, người khác nói cái bàn là giả vì do nhiều thứ tổng hợp lại và nó sẽ tan rã, ngay khi nó chưa tan rã mình đã biết là nó giả. Nhưng trí huệ Bát Nhã thì không nói là nó giả hay không.
 
Khi Trí Bát Nhã nhìn thì cái đối tượng của nó là chân không tuyệt đối. Khi nhìn cái bàn mình không thấy cái bàn vì cái bàn là đối tượng của lòng tương đối hay sự suy nghĩ tương đối. Có lòng tương đối thì thấy cái bàn có thật hay giả nhưng có trí Bát Nhã nhìn thì thấy cái chi?
 
Trí bình thường thì cần có đối tượng. Sự suy nghĩ của mình có đối tượng nên cái đối tượng ấy có thiệt có giả. Trí Bát Nhã không có đối tượng, không cần đối tượng. Khi nó nhìn thì nó nhìn chính nó. Mà chính nó là gì? Là chơn tâm. Cái khả năng chơn tâm có thể nhìn ngược lại chơn tâm, chính nó vừa là chủ thể vừa là đối tượng, chính nó thấy chính nó; khả năng đó là trí Bát Nhã. Cho nên khi mình nhìn mà có đối tượng thì không phải là trí Bát Nhã.
 
Đức Phật mất 22 năm để giải thích cho người ta hiểu. Thành ra nếu bây giờ bác nghe mà bác chưa hiểu được thì bác còn 21 năm 364 ngày nữa để hiểu, chưa gấp lắm. Đức Phật mất 22 năm để giảng và giúp cho mọi người chứng ngộ được  trí Bát Nhã là khả năng nhìn cảnh giới tuyệt đối, khả năng nhìn chân tâm. Khi nhìn  một vật từ chân tâm nhìn ra thì vật đó và chân tâm có khác nhau không? Không. Vì nếu mình thấy có khác thì là tương đối rồi. Bởi vậy nên có những thuật ngữ rất đặc biệt: “sắc tức là không, không tức là sắc”. Nghĩa rằng không có tương đối, không có đối tượng. Và mình còn nghe nói: “thọ tưởng hành thức cũng như vậy” hay “bất tăng bất giảm bất cấu bất tịnh”. Tức không có đối tượng, không có một diễn biến gì hiện ra trong tâm thức cả vì tất cả chỉ là một, chỉ là chân tâm. Thuật ngữ đó rất là siêu việt.
 
Thời kỳ Lộc Uyển thì cái vũ trụ quan là thấy mọi sự là thật mà nó là khổ, là vô thường. Thời kỳ Phương Đẳng thì tất cả mọi sự là giả huyễn , do đó mình phải khởi lòng từ bi để làm cho mọi người đừng chấp trước và cái tâm mở rộng. Cái quan trọng là đổi cái trọng tâm của giáo pháp từ  chỗ thấy mọi sự là vô thường khổ đến bây giờ thấy cái tâm lý của mình mà không phải thấy cái bên ngoài. Giai đoạn Phương Đẳng là giai đoạn nhận ra cái tâm lý của mình và cái tâm lý đó là phát triển lòng từ bi hỉ xả, còn vũ trụ quan là thấy mọi chuyện là huyễn hóa. Trong thời kỳ Bát Nhã thì cái trọng tâm là tâm linh và vũ trụ quan là mọi sự đều là siêu việt, đều là tuyệt đối, mọi sự là chơn không và không có cái gì mình phải bám víu cả. Nói đúng cũng trật, sai cũng trật. Nói giả cũng không đúng. Bởi vì nó hoàn toàn siêu việt.
 
Ngài cần 600 bộ kinh để thuyết về Bát Nhã, để mọi người đừng nghĩ lầm. 600 bộ kinh đó có tên là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Bác có thể tưởng tượng được không, để giải thích hai chữ Bát Nhã mà cần tới 600 cuốn sách và cần 22 năm để nói hết cái đạo lý này để không còn nghi ngờ gì nữa. Nhiều người nhờ trí huệ này mà thành la hán, bồ tát.
 
Thời kỳ Pháp Hoa
 
Tới đây thì ngài đã giảng được hơn 40 năm. Rất nhiều người đã theo ngài tu hành, có người đi theo từ đầu như ngài Ananda hay Kiều Trần Như. Lúc Phật 80 tuổi thì tuổi tác họ cũng gần bằng ngài. Vào lúc này ngài rất là thâm sâu, kinh nghiệm, già dặn và trí huệ rất nhiều màu sắc. Lúc mới đi tu và sau đó giác ngộ thì ngài còn rất trẻ, chưa phải là người xông xáo lăn lộn trên đời. Qua 40 năm thì ngài trở thành một người rất chững chạc. Ngài ở vào trạng thái bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu trí huệ của con người tập trung vào ngài, không có một chuyện gì lúc đó mà ngài không hấp thụ, không triết lý nào ngài chưa từng nghe qua cũng như không có tâm thức nào ngài chưa chứng tới. Do đó trong hơn 40 năm ngài đi thuyết pháp giảng kinh thì ngài hấp thu không biết bao nhiêu là trí huệ, không biết bao nhiêu là kinh nghiệm, không biết bao nhiêu người đã tới vấn đáp với ngài. Do đó ngài không còn là một vị thái tử hay một người đang ngồi trên cội bồ đề nữa. Tâm thức của ngài bây giờ chứa nhiều kinh nghiệm cuộc sống. Cho nên vào lúc cuối cùng này ngài khám phá ra một phương thức cực kỳ độc đáo, thâm sâu hơn 3 thời kỳ trước. Ngài nói: Ta tới trái đất này để làm một chuyện duy nhất là làm sao cho các con chứng ngộ được, hiểu được, thấy được tri kiến của Phật, tức cái nhìn, lối sống của Phật. Điều này làm cho những người theo ngài từ lúc đầu ngạc nhiên vô cùng: Không phải là ngài nói với tụi con là có 4 cái chân lý Khổ Tập Diệt Đạo hay sao? Không phải là ngài nói về bát chánh đạo, về những triết lý khổ, không, vô thường, vô ngã, triết lý này, triết lý kia nhiều lắm, mà bây giờ ngài nói là ngài tới vũ trụ này để làm chúng con biết được cái tri kiến của Phật. Như vậy thì có gì mâu thuẫn không?
Phật nói: Không có gì mâu thuẫn, tất cả chỉ là phương tiện. Tất cả những phương tiện đó đều đưa tới chỗ các con thấy được, nhìn được giống như ta đang nhìn. Đức Phật dùng danh từ mà bây giờ ta dịch là “Khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”. Khai là mở ra, Thị là chỉ cho, nhìn vào, Ngộ là thấu hiểu, Nhập là trở thành, hòa nhập làm một với cái tri kiến của Phật. Mình mở khai cái nhìn của Phật, thấy được cái tri kiến của Phật, thấu suốt được tri kiến của Phật và rồi mình trở thành cái tri kiến Bất Nhị đó. Đức Phật  nói ra một triết lý cao sâu và giản dị vô cùng. Chuyện mấy chục năm trước gói ghém trong một công thức thâm sâu. Giống như ông Einstein nghiên cứu mấy chục năm về vật lý , cuối đời ông đưa ra một công thứ c thôi là E=mc2. Một công thức nhỏ như vậy nhưng gói ghém không biết bao nhiêu phương trình công thức của bao nhiêu năm nghiên cứu về vũ trụ. Sau 40 năm đức Phật lặn lội dạy học và độ chúng sanh, ngài mới tìm được một công thức cực kỳ thâm sâu  là công thức làm sao mở tri kiến của Phật.
 
Nhưng những người theo ngài lâu năm có nhiều chấp trước về phương pháp tu hành khiến họ không tin lời Phật. Khi Phật giảng điều này, hằng trăm người đã đứng lên bỏ đi. Họ là những ai: là những vị la hán, những người tin là không có cái gì cao siêu hơn nữa khi họ đã chứng được bát nhã, được trí huệ. Do đó họ bỏ đi. Đức Phật mỉm cười và  nói rằng pháp của ngài là sự khai mở và sự khai mở này thường được người ta biết tới bằng hai chữ Pháp Hoa. Hoa là bông hoa, Pháp là chân lý. Kinh  Pháp Hoa là kinh làm cho lòng mình khai mở như hoa. Kinh này ngắn, chỉ 28 phẩm, nhưng thâm sâu cực kỳ vì triết lý căn bản nhất là nhìn thẳng vào tâm và khai mở cái tâm hoa của mình. Ngài mất 8 năm, từ năm 72 tuổi tới năm 80 tuổi, để giảng. Người tới 70 tuổi rồi thì trí huệ cô đọng thâm sâu vô cùng và cách ngài giảng kinh thời đó thâm sâu hơn lúc ngài mới bắt đầu ra giảng, đưa người nghe lập tức vào cảnh giới sâu sắc nhất của tâm thức họ. Cho nên kinh Pháp Hoa là viên ngọc cực kỳ quý giá của Phật  giáo vì được viết từ một tâm thức kinh nghiệm sâu sắc vô cùng, dung hòa được nhận thức tuyệt cao của trí huệ kết hợp với kinh nghiệm sống lão luyện chững chạc của một người cực kỳ trưởng thành.
Trước ngày từ giã cõi đời 3 tháng, ngài tập trung mọi người để nhắn nhủ: không phải ta mất hay từ giã cõi đời mà ta đi vào Niết Bàn và chữ Niết Bàn lần đầu tiên làm cho tất cả mọi người đương thời rúng động vì họ chưa bao giờ thấy được một người đi vào Niết Bàn. Đức Phật rất nhẹ nhàng tới nằm giữa 2 cái cây sala là loại cây có cái tàn rất đẹp. Trong 1 ngày 1 đêm ngài hoàn toàn tỉnh táo, chờ tất cả đệ tử tới như người cha chờ con. Ngài trả lời tất cả những câu hỏi của họ và thuyết giảng không ngừng cả 1 ngày 1 đêm đến khi không còn một câu hỏi nào ngài mới nhắm mắt ra đi. Trong 1 ngày 1 đêm đó ngài nói chuyện gì? Ngài nói gần như tất cả những chuyện gì mà mọi người sợ hãi không dám hỏi nhưng bây giờ được giải đáp.
 
Thời đại này được đặt là Pháp Hoa nhưng cũng thêm 1 chữ nữa là Niết Bàn vì sự trọng đại của việc ngài ra đi làm cho pháp của ngài có đầu có đuôi. Nghĩa là khi ngài nói con đường bắt đầu ra sao thì ngài cũng cho thấy rõ ràng con đường kết thúc như thế nào. Sự kết thúc của ngài cực kỳ đẹp vì ngài biết được giờ ra đi. Ngài ra đi trong im lặng và trong niềm vui mà mọi người đều chứng kiến.
 
Và đó là 5 thời kỳ giảng pháp của Phật, cũng là 5 thời kỳ tiến hóa tâm thức của ngài: Hoa Nghiêm, Lộc Uyển, Phương Đẳng, Bát Nhã và Pháp Hoa.

No comments:

Post a Comment