10 April 2013

Thiền sinh và con bọ cạp

Theo truyền thống tu tập của Phật giáo Nhật Bản, sau khi các thiền sinh trải qua ba tháng tu hành, thiền sư bắt đầu thử những thói quen về cách ứng xử của thiền sinh. Qua sự quan sát cách ứng xử trong đời sống hàng ngày, vị thiền sư có thể biết được trình độ tâm linh và sự tiến triển của học trò.
Thiền sư và bò cạp
Thiền sư và bò cạp



Các thiền sinh được hướng dẫn dạo chơi trong vườn Thiền, hòa nhịp sống với cảnh thiên nhiên, với  núi, sông, suối, cây cỏ, hoa lá. Mỗi người được tự do tiêu khiển theo ý thích riêng, người thích lội sông, người thích chơi trên sỏi, người thích trầm tư, hoặc ngồi trên cỏ, v.v…
Một thiền sinh ngắm nhìn dòng suối hiền hòa, bỗng nhiên trông thấy một con bò cạp rớt xuống suối.Vị thiền sinh này đưa tay vớt nó và nhẹ nhàng để nó lên mặt đất. Con bò cạp theo phản ứng tự nhiên là cong đuôi chích bất cứ ai đụng đến nó. Mặc dù bị nó chích rất đau, nhưng ông không hề tức giận, vì đã làm được một việc mà ông thích làm là cứu sống được con bò cạp. Sau đó, ông đứng lên đi, nhưng đi được vài bước, thì ông quay lại nhìn con bò cạp, thấy nó lại té xuống suối nữa. Ông vội vàng chạy lại vớt nó, rồi cẩn thận đặt nó lên mặt đất. Lần thứ hai cũng như lần đầu, ông cũng bị nó chích nữa. Trông thấy cảnh tượng này, một sư huynh đứng bên cạnh bực mình, nói lớn: “Con bò cạp vô ơn bạc nghĩa như vậy, cắn hoài, cứu nó làm gì cho mệt. Kệ xác nó”.
Ông thản nhiên trả lời rất hay: “Chích là thói quen của con bò cạp, giúp nó là thói quen của tôi”. Đó chính là thói quen của lòng từ bi.
Chúng ta giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền ơn. Người như vậy mới làm nên đạo cả. Nhưng triết lý của câu chuyện không ở góc độ này, mà muốn nói điều quan trọng hơn. Đó là nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người, nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của những lời thị phi, của lời hãm hại, của sự đày đọa, của những gian lao thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không bao giờ thành công được. Vì thế, thiếu vắng lòng từ bi, lòng khoan dung, lòng kham nhẫn mà làm nhiều Phật sự chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ lớn chừng đó. Đôi lúc chúng ta làm Phật sự trở thành ma sự là vì vậy.
Tâm huyết quá lớn, nhưng không có sự tu tập để chuyển hóa được nghịch cảnh, để thăng hoa đời sống tâm linh và đạo đức, thì sự sân hận, uất ức và sự si mê sẽ có cơ hội lớn mạnh, len vào tâm trí chúng ta để trở thành những thói quen mới. Đó là thói quen xấu trước những hoàn cảnh không thuận duyên.
Triết lý của câu chuyện ở chỗ đó. Chúng ta thấy bò cạp có thói quen chích. Nhân tình thế thái trong cuộc đời cũng như vậy. Đôi lúc chúng ta nhiệt tình với người nào đó quá mức, chúng ta giúp đỡ, xây dựng, giáo dưỡng người đó càng nhiều thì càng làm họ bị trói buộc, cho nên nhà Nho nói rằng giáo đa thành oán.
Thói quen của sự phản bội, của nhân tình thế thái là những thứ dễ làm chúng ta chán nản lắm và nếu như không có lòng chịu đựng được những cú chích của nhân tình thế thái thì tốt hơn, chúng ta đừng bao giờ dấn thân hành Bồ tát đạo. Chúng ta tu tập hạnh Độc giác, tức giác ngộ rồi nhập Niết bàn còn tốt hơn; vì làm quá độ chẳng những không có lợi cho người khác, còn hại đến bản thân và đời sống nội tâm của ta rất nhiều.

img2
 ===============
Câu chuyện ngụ ý một điều rất sâu sắc:

Học hạnh Bồ-tát thì phải có đủ sức chịu đựng những chướng duyên; không phải chỉ có hai cú chích, có thể là 30 cú. Không chỉ bị chích ở tay, mà có thể cả mắt, đầu hay bất cứ chỗ nào. Nếu câu trả lời là không đủ sức thì hãy khoan làm Bồ-tát. Hãy huấn luyện tâm cho thật vững chãi rồi hãy làm Bồ-tát.

 Trong khi làm phước và tu tập, hành giả phải đối đầu với rất nhiều loại bò cạp khác nhau: Bò cạp của thị phi, thù hận, ganh tức, thái độ không tùy hỷ, và bò cạp phá hoại v.v... Các bò cạp đó sẽ chít khác nhau và phản ứng của nó cũng rất đa dạng. Không cần phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, người xấu có khả năng chít túi bụi người tốt, thậm chí là người giúp đỡ họ.

 Phải trang bị cho mình sức chịu đựng bằng lòng từ bi, hỷ xả, tha thứ, bao dung thì mới có thể xem bò cạp là bạn của mình. Không khéo trong lúc làm lành, gặp nhiều cản lực, giận tức quá, dùng tay hại giết con bò cạp luôn. Như vậy, phát xuất lòng từ bi nhưng nhiều người dấn thân thiếu trang bị trở thành gieo nghiệp sát sanh. Chỉ cần vài chiêu chích của bò cạp cũng đủ để biết được tâm mình đang nằm ở mức độ nào.

 Khi làm Phật sự, dĩ nhiên ta gặp rất nhiều loại bò cạp. Đôi khi lời nói, ý nghĩ, việc làm của người thiếu thiện chí cũng mang tính chất giống như những cú chít của con bò cạp. Những lúc như vậy không nên bực tức và cũng đừng nuối tiếc rằng, tại sao tôi phải làm việc tốt với người không hề biết mang ơn nghĩa là gì?

 Các tư duy, lý luận như vậy sẽ làm ta vĩnh viễn vẫn là phàm phu tục tử, không thể nào làm Bồ-tát được. Học hạnh Bồ-tát, ta phải bất chấp tình huống ngang trái, thể hiện sự thản nhiên trong thuận và nghịch. Nếu không có được bản lĩnh thì không cứu được con bò cạp mà còn bị bò cạp cắn chết.

 Trong đời, có nhiều người nhất-xiển-đề khó hoà giải. Đôi lúc, ta phải cưu mang họ bằng bàn tay thương yêu, như vị thiền sinh đối với bò cạp, thì mới thành công. Hành trì Bồ-tát đạo là con đường đa chiều, đôi lúc có nhiều hương thơm cỏ lạ, có khi có nhiều cỏ dại gai góc đủ loại. Hãy để tâm hướng về các giá trị tích cực, phục vụ chúng sanh để ta không cảm thấy ngạc nhiên khi làm điều tốt mà bị người khác chống đối và chỉ trích.



NM sưu tầm

1 comment:

  1. Súc tích, ý nghĩa và thường gặp trong lĩnh vực sinh hoạt GĐPT lắm anh LMH.
    QM xin phép đem về đăng lại ở đây >>> http://thuviengdpt.info/ao-lam-hy-luan/chuyen-dao/thien-sinh-va-con-bo-cap

    ReplyDelete